Sửa mặt cầu Thăng Long: Khẳng định của Bộ trưởng GTVT

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.

Đến nay, dự án đã hoàn thành thảm lớp bê tông nhựa Polimer có độ dày 4 cm. Các công việc như sơn kẻ mặt đường, hộ lan và các công việc khác đang được hoàn thiện.

Sửa mặt cầu Thăng Long: Khẳng định của Bộ trưởng GTVT - Ảnh 1
Thi công thảm bê tông Polymer trên mặt cầu Thăng Long. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, mặt cầu Thăng Long sẽ có độ bền 30 năm. Riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4 cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại 5 - 10 năm tùy theo tải trọng xe.

Đồng thời, ông Sỹ cũng mong muốn có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc thông xe sẽ đảm bảo cho người dân lưu thông một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành sữa chữa, cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm Thành phố đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.

Trả lời trên Dân Việt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, "mặt cầu Thăng Long được đánh giá có độ cứng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi mặt cầu Thăng Long được sửa".

"Tôi có chứng kiến xe 26 tấn chở bê tông thảm mặt cầu Thăng Long, quá trình thảm không hề có dấu hiệu rung. Như vậy, độ cứng của cầu Thăng Long có độ cứng tối đa, tránh những chấn động", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói thêm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mặt cầu Thăng Long được trảm lớp mặt polime 4 cm, có độ bền rất tốt. Bên cạnh đó, lớp kết cấu liên kết giữa lớp bê tông siêu tính năng với lớp polime là rất tốt. Đặc biệt, lớp bê tông siêu tính năng được liên kết với mặt cầu bằng khoảng 1,5 triệu đinh gắn với mặt cầu, cùng với đó là lớp lưới thép.

"Hệ thống cầu Thăng Long được thiết kế có độ bền vĩnh cửu tới 100 năm, lớp mặt polime chúng tôi đang kỳ vọng thực hiện đúng quy định, nếu làm tốt có tuổi thọ từ 6 - 10 năm. Còn lớp bê tông siêu tính năng gắn liền với mặt cầu Thăng Long nên sẽ không còn xảy ra hư hỏng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng.

Trước đó, báo cáo về tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), đơn vị thực hiện dự án cho biết đang gặp hai khó khăn khiến dự án bị chậm.

Hai vấn đề vướng mắc lớn gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án là đinh neo đưa về dự án chậm và chuyên gia nước ngoài.

Theo thông tin cho biết, dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ
thảm lớp bê tông tính năng siêu cao (UHPC) đang được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Dự án được chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc. Hiện, đoàn chuyên gia tới chuyển giao công nghệ đã làm visa nhưng nay chưa có mặt tại Việt Nam do dịch Covid-19, hiện nay hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến.

Đáng nói, việc thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt của đoàn chuyên gia Trung Quốc mới có thể triển khai trên thực tế.

Điều này làm dấy lên lo ngại, dự án sẽ bị chậm tiến độ, tuy nhiên, theo tiến độ khai thác dự kiến, dự án đã vượt tiến độ đề ra (dự tính thời gian sửa chữa là 150 ngày, tính từ ngày 16/8/2020 đến ngày 12/1/2021).

An An

Theo Báo Đất Việt