'Sức khỏe' HDBank và Dong A Bank khi vào cuộc chuyển giao bắt buộc
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã chính thức được chuyển giao bắt buộc về với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Ngày 17/1, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã chính thức được chuyển giao bắt buộc về với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Sau một thập kỷ chờ đợi, cuối cùng DongA Bank – một trong những ngân hàng yếu kém mà NHNN thừa nhận “có nhiều bất cập, vướng mắc và thủ tục kéo dài trong quá trình xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc” cuối cùng cũng tìm được bến đỗ.
Việc HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank đánh dấu một cột mốc quan trọng, không chỉ đối với hai ngân hàng mà còn với tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Trong cuộc "hôn nhân" này, HDBank, với sức khỏe tài chính lành mạnh, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò "bệ đỡ", giúp DongA Bank xử lý nợ xấu, cải thiện năng lực tài chính, và tái cấu trúc hoạt động.
HDBank và Dong A Bank: Tình hình kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, HDBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.546 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2024, lợi nhuận sau thuế của HDBank đạt 10.011 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kế hoạch năm 2024 đề ra trước đó, qua 3 quý năm 2024, HDBank đã thực hiện được gần 80% kế hoạch cả năm.
Các “thông số” đo sức khỏe tài chính của HDBank cũng đang ở mức tốt. Tính đến hết quý III/2024, tổng tài sản của HDBank đạt gần 629.600 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm và tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng huy động vốn đạt 559.000 tỷ đồng trong khi tổng dư nợ cho vay là 412.000 tỷ đồng, tăng 16,6% tính đến ngày 30/9/2024. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) được nâng lên mức 24,2%, giữ vị thế hiệu quả ở top dẫn đầu. Tỷ lệ nợ xấu là 1,46% và an toàn vốn (CAR) chuẩn Basel II là 14,8%.
HDBank còn duy trì 5 năm liên tiếp chi trả cổ tức ở mức cao. Ngày 12/12 tới đây, HDBank sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 20 cổ phiếu mới. Trước đó, vào tháng 7/2024, ngân hàng cũng đã thực hiện trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Trong khi đó, kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 sau vụ án của ông Trần Phương Bình, website chính thức của DongA Bank không cập nhật thêm bất kỳ bản báo cáo tài chính nào. Những dấu ấn từng làm nên tên tuổi một ngân hàng sáng tạo và dẫn đầu như tiên phong về ngân hàng tự động, ghi nhận nhiều kỷ lục Guiness… chỉ còn là những ký ức một thời.
Chỉ có một vài thông tin ít ỏi của DongA Bank được cập nhật thông qua các báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm và cả năm. Dẫu vậy, những báo cáo này cũng không hề đề cập đến tình hình tài chính, huy động vốn, cho vay của ngân hàng này.
Trong báo cáo tình hình quản trị năm 2024, ban lãnh đạo DongA Bank thừa nhận ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh của DongA Bank vẫn lỗ và có xu hướng gia tăng so với năm trước.
Lật lại những báo cáo tình hình quản trị của những năm gần đây, dù DongA Bank luôn tích cực đẩy nhanh tiến độ thu hồi những món nợ lớn, có nhiều vướng mắc; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao,… nhưng dường như bức tranh kinh doanh của ngân hàng vẫn chưa thể thoát khỏi gam màu xám xịt. Theo số liệu cập nhật gần nhất (hết năm 2021), DongA Bank lỗ lũy kế 12.465 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu âm 6.855 tỷ đồng.
Thay đổi rõ ràng nhất của DongA Bank sau khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt có lẽ chính là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát của ngân hàng khi có thêm nhiều gương mặt mới do NHNN chỉ định.
Tương lai nào cho HDBank và Dong A Bank?
Việc được chuyển giao cho một ngân hàng với sức khỏe tài chính ổn định như HDBank có thể sẽ là cơ hội “tái sinh” đối với DongA Bank, song, ở chiều ngược lại, nó cũng làm gia tăng gánh nặng cho bên nhận chuyển giao bắt buộc. Không ít cổ đông cũng đã bày tỏ lo ngại triển vọng của ngân hàng sẽ bớt “tích cực” hơn sau khi tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Những lo lắng này không hẳn là không có cơ sở khi nhìn lại quá khứ, có những ngân hàng đã phải “trầy da tróc vảy” khi nhận tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, điển hình nhất là câu chuyện của Sacombank nhận tái cơ cấu Ngân hàng Phương Nam.
Từng được biết đến với chính sách cổ tức khá ổn định trước năm 2015 nhưng sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank bước vào giai đoạn tái cơ cấu đầy thách thức và suốt gần 10 năm, cổ đông của Sacombank không được nhận cổ tức.
Tuy nhiên, câu chuyện chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém ở thời điểm hiện tại lại có nhiều điểm thú vị hơn. Thay vì là gánh nặng, các lãnh đạo ngân hàng dự kiến tiếp nhận chuyển giao dường như đang đặt nhiều kỳ vọng tích cực khi nhìn nhận đây như một cơ hội chiến lược để mở rộng quy mô, củng cố vị thế.
Lợi ích đầu tiên mà HDBank cũng như những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc khác nhận được là ngân hàng tiếp nhận không cần phải hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng được chuyển giao, tức hai ngân hàng hoạt động độc lập về mặt tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ số tài chính cũng như các chính sách như phân phối lợi nhuận chia cổ tức hay trích lập các quỹ của ngân hàng tham gia tái cơ cấu như HDBank không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, tiếp nhận ngân hàng chuyển giao bắt buộc còn đem lại cho HDBank những lợi ích khác như không phải trích lập dự phòng cho phần vốn đã góp vào ngân hàng yếu kém, tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với mặt bằng chung của các ngân hàng khác, đi vay với lãi suất ưu đãi, có quyền bán, sáp nhập hoặc tiếp tục duy trì ngân hàng yếu kém với vai trò là công ty con sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc,…
Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ có hai trong bốn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, từ 30% hiện nay lên mức tối đa là 49% vốn điều lệ. Đây sẽ là cú hích lớn cho thị giá cổ phiếu của các ngân hàng.
Xét trong 4 ngân hàng đi tái cơ cấu, VPBank và HDBank là hai ứng viên có cơ hội được nới room ngoại cao nhất. Còn đối với 2 ngân hàng còn lại, nếu như Vietcombank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì MB, dù được xếp vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhưng có sự hiện diễn mạnh mẽ của loạt doanh nghiệp tập đoàn nhà nước.
Những lợi ích hấp dẫn kể trên rõ ràng đã đủ “sức nặng” để thuyết phục các cổ đông của HDBank khi ĐHĐCĐ đã quyết định thông qua tờ trình về tham gia tái cơ cấu ngân hàng.
Trong hành trình phát triển của mình, HDBank đã để lại dấu ấn sâu đậm với hai thương vụ M&A thành công rực rỡ – sáp nhập DaiA Bank và mua lại công ty tài chính SGVF – trong thời điểm ngành ngân hàng đang cần tái cấu trúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng chính HDBank đã thất bại trong thương vụ sáp nhập thêm PGBank.
Thế nhưng, câu chuyện giờ đây đã khác khi HDBank hiện sở hữu năng lực quản trị rủi ro chặt chẽ, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt mức tốt và hệ sinh thái dịch vụ đa dạng hơn. Cùng với đó, ngân hàng này cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm khi chính đại diện HDBank cho biết đã nhận được lời đề nghị tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém từ 7 - 8 năm trước. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc giúp HDBank tự tin gánh vác nhiệm vụ tái cấu trúc một tổ chức tín dụng yếu kém như DongA Bank.
Dẫu vậy, chặng đường phía trước HDBank và DongA Bank về chung một nhà sẽ không thiếu những thử thách cam go bởi hành trình tái cơ cấu sẽ đòi hỏi không chỉ tài chính mà cả nguồn lực nhân sự lớn lao, và chắc chắn không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.