Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Bao giờ đến lượt SCB?
Trong khi nhiều ngân hàng yếu kém khác đã bắt đầu có những chuyển động rõ nét trong quá trình tái cơ cấu thì SCB vẫn chưa ghi nhận nhiều tiến triển đáng kể.
Ngân hàng yếu kém hậu chuyển giao
Phát biểu tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng mới đây, ông Hồ Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng đã thực hiện bán nợ cho VCBNeo với tổng giá trị lên tới 51.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietcombank khẳng định, bên cạnh nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng của Vietcombank, ngân hàng cũng đặt mục tiêu hỗ trợ và đồng hành cùng VCBNeo phát triển. Trước đó, tại một sự kiện khác, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng thừa nhận VCBNeo còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn và trung hạn nhưng Vietcombank sẽ hỗ trợ tối đa cho VCBNeo trong giai đoạn phát triển mới.
Song song với những cam kết mạnh mẽ, Vietcombank còn trực tiếp cử nhiều lãnh đạo cấp cao sang đảm nhiệm các vị trí trọng yếu tại VCBNeo. Động thái này cho thấy, ngay sau khi tiếp nhận bắt buộc ngân hàng yếu kém CBBank, Vietcombank đã nhanh chóng bắt tay vào quá trình tái cơ cấu toàn diện nhằm vực dậy cũng như đặt nền móng phát triển vững chắc cho “người anh em chung nhà”.

Trong khi đó, HDBank cũng đã bắt đầu “hành động” sau khi đón DongA Bank về chung nhà. Sau khi đổi tên và chuyển DongA Bank thành ngân hàng số thế hệ mới Vikki Bank, trong đầu tháng 4/2025, HĐQT HDBank đã chấp việc cấp hạn mức cho vay đặc biệt đối với Vikki Bank. Tuy nhiên, số tiền cụ thể chưa được HDBank công bố. Phía ngân hàng cho biết, hạn mức được cấp phù hợp quy định của HDBank và pháp luật về cấp tín dụng.
Sau khi đổi thành ngân hàng số, Vikki Bank cũng có nhiều hoạt động đáng chú ý. Mới đây nhất, Vikki Bank đã hợp tác với Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn cho Đà Nẵng và Việt Nam trong thời gian tới.
Lãnh đạo HDbank từng khẳng định, HDBank sẽ tái cấu trúc Vikki Bank trở thành ngân hàng số thế hệ mới, qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp và thủ tục đơn giản thông qua kênh số.
Mặc dù chưa tiết lộ thêm kế hoạch mới cho MBV (trước là OceanBank), nhưng trong đầu năm 2025, phía MB cho biết MB đã bán dư nợ sinh lời qua cho MBV và MBV được dùng dư nợ đó để vay Chính phủ và NHNN khoản tiền tương đối lớn với lãi suất bằng 0, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV. MB cũng đã đưa gần 80 người sang "vực dậy" ngân hàng 0 đồng này.
Có thể thấy rằng, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank, MB và HDBank đều đã nhanh chóng công bố thương hiệu ngân hàng mới với định hướng trở thành ngân hàng số cũng như bắt đầu những kế hoạch chiến lược. Hiện chỉ còn VPBank chưa công bố liệu có tạo dựng thương hiệu riêng cho GPBank hay không.
Bao giờ tới SCB?
Trong khi các ngân hàng yếu kém khác đã bắt đầu có “hành trình mới” thì câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng SCB vẫn chưa có nhiều bước tiến rõ nét.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với ngân hàng SCB.
Trước đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN hoàn thành phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, khẩn trương trình phương án cơ cấu lại ngân hàng SCB.
Sự chẫm trễ trong việc đưa ra phương án tái cơ cấu SCB là điều có thể hiểu được khi đây từng là một trong những ngân hàng có quy mô và tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống ngân hàng trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra liên ngành (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) chỉ ra tỷ lệ nợ xấu của SCB là 20,92% (quy định <3%); tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR): 6,5% (quy định >9%); tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ: 62,95% (NHNN cho phép không quá 55%).
Còn theo kết quả kiểm toán độc lập xác định tại ngày 30/9/2022, SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 4/2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã cung ứng một số khoản vay cho ngân hàng SCB nhằm ổn định SCB. Tuy nhiên, con số cụ thể không được tiết lộ. Lãnh đạo NHNN khi đó khẳng định: việc cho vay thì phải đảm bảo thu hồi nợ, việc cung ứng tiền dù nhiều hay ít NHNN đều có công cụ để điều hòa lượng tiền đưa ra.
Rõ ràng, nếu vội vàng, việc tái cơ cấu SCB có thể có cái kết “kém vui”, không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống, từ đó gây mất niềm tin và dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Hồi đầu năm 2024, trong báo cáo gửi Thủ tướng, NHNN cho biết “đang nghiên cứu đề nghị tham gia tái cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án tái cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định”. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin gì về những nhà đầu tư muốn tham gia tái cơ cấu SCB.

Theo TS Bùi Duy Tùng, Giảng viên Đại học RMIT, việc tái cơ cấu SCB là nhằm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người gửi tiền.
“Đây là một động thái cần thiết nhằm ngăn chặn rủi ro lan tỏa đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, cần xử lý tài sản của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm để khắc phục hậu quả và bù đắp chi phí tái cơ cấu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản có thể không dễ dàng do các vướng mắc về pháp lý”, ông nói.
Trong bối cảnh SCB đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, theo ông Tùng, phương án mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng cũng có thể là một trong những hướng đi được cân nhắc để giải quyết. Song theo ông Tùng, M&A ngân hàng là cả quá trình phức tạp và có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy vào tình hình cụ thể.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, để thực hiện thành công M&A, điều đầu tiên cần làm là NHNN và các tổ chức tài chính cần thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện để đánh giá tình hình tài chính, nợ xấu, thanh khoản và các yếu tố liên quan đến SCB. Sau khi có những đánh giá toàn diện và chính xác nhất, việc lựa chọn đối tác mua lại hoặc sáp nhập là bước tiếp theo. Tuy nhiên, cần lưu ý phải chọn những đối tác có đủ khả năng tài chính, chiến lược phát triển dài hạn và có thể tiếp quản hoạt động của SCB hiệu quả, TS Bùi Duy Tùng nhấn mạnh.
Tiếp đến, một trong những bước quan trọng là định giá tài sản, nợ xấu,... TS Bùi Duy Tùng cho biết, việc này giúp các bên tham gia M&A xác định giá trị thực tế của ngân hàng và đưa ra các điều khoản thương thảo hợp lý, trong đó bao gồm tỷ lệ sáp nhập, điều kiện ràng buộc, các khoản nợ xấu, cam kết bảo vệ quyền lợi người lao động và người gửi tiền.
Cuối cùng, các bên liên quan sẽ phải xin phê duyệt từ NHNN và các cơ quan quản lý khác. Khi các điều kiện đã hoàn tất, quá trình sáp nhập sẽ diễn ra, bao gồm việc chuyển giao tài sản, khách hàng, nhân sự và các hoạt động kinh doanh. Quá trình này có thể kéo dài một thời gian để đảm bảo việc chuyển giao thuận lợi, ông Tùng nói.
“Việc thực hiện M&A đối với SCB cần được tiến hành cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khách hàng và người lao động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa SCB, đối tác M&A và các cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của quá trình này”, đại diện RMIT nhấn mạnh.