Tại sao dù đã cảnh báo, nhiều người vẫn sập bẫy bởi “dự án ma”?

Dự án ma, không có thật nhưng vì sao vẫn là cái bẫy dễ giăng của các cá nhân, tổ chức hòng đưa nhiều người dân vào tròng? Với những thủ đoạn tương tự, các dự án ma được cò đất tự phong hoành tráng để đảm bảo sự uy tín, thu hút người dân góp vốn mua nhà đất.

 

Tại sao dù đã cảnh báo, nhiều người vẫn sập bẫy bởi “dự án ma”? - Ảnh 1

Khốn đốn với “dự án ma”

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết luật đất đai của người dân, nhiều công ty lập các “dự án ma” để rao bán. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng với các công ty, tuy nhiên sau thời gian dài chờ đợi, tiền thì đã đóng đủ nhưng đất không được giao như đúng hẹn.

Mặc dù cụm từ “dự án ma” từ lâu đã xuất hiện và không ít lần cơ quan chức năng đã phát thông báo người dân cảnh giác nhưng hiện tượng lừa đảo này vẫn tràn lan dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau. Bất chấp các quy định của pháp luật, nhiều doanh nghiệp thành lập hàng loạt để đánh bóng, “tô vẽ” cho dự án không có thật nhằm lợi dụng lòng tin và chiếm đoạt tiền.

Với thủ thuật sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”. Sau đó, các bị cáo thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho 4.316 bị hại, chiếm đoạt 2.264 tỷ đồng.

Tại xã Long Phước, Đồng Nai, nhiều người dân cho biết đang rất lo lắng khi mua phải “dự án ma” KPTM sân bay quốc tế L.T. Nhiều đơn thư tố giác, phản ánh về dấu hiệu sai phạm  và có hành vi lừa đảo của doanh nghiệp địa ốc này được gửi đến các cơ quan chức năng. Mặc dù “dự án” không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, xây dựng và đưa vào kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng mua bán với khách hàng.

Chia sẻ về việc bị mắc lừa dự án “ma”, ông Nguyễn Thanh Long – một trong những nạn nhân của Công ty TNHH MTV Đại An (do bà Đỗ Thị Miên làm Giám đốc vừa bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) nói rằng, trước khi mua, ông cũng cẩn thận đi xem đất, thấy vị trí đẹp nên mới đồng ý mua. Hơn nữa, Công ty Đại An cam kết từ 8-12 tháng sau khi ký hợp đồng sẽ có sổ đỏ. Ngoài ra, khi ra thăm dự án, còn thấy chủ đầu tư thuê máy xúc, máy ủi thực hiện việc san gạt mặt bằng và cắm bản quy hoạch nên yên tâm “xuống tiền”, ai dè lại bị lừa một cách trắng trợn.

Hiện nay, tình trạng vẽ bánh dự án và được quảng cáo, rao bán công khai với quy mô lớn của các doanh nghiệp đã dần xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là tại khu vực vùng ven với quỹ đất còn nhiều. Trong khi tại TP.HCM và Hà Nội người dân phải “chen chúc” nhau tìm nơi an cư thì nhu cầu đầu tư các dự án giá rẻ càng cao.

Tại sao dù đã cảnh báo, nhiều người vẫn sập bẫy bởi “dự án ma”? - Ảnh 2

Thủ đoạn đánh vào nhu cầu đầu tư “lướt sóng”

Có cầu ắt có cung, khi người dân vẫn chấp nhận mua những căn hộ chưa hình thành từ “dự án ma” thì chúng vẫn sẽ còn tồn tại. Việc này có thể bắt nguồn từ một bộ phận người dân không am hiểu về pháp lý, chỉ nghe chiêu trò tiếp thị của nhân viên marketing dự án mà không mảy may nghi ngờ về tính hợp pháp.

Hoặc cũng có thể từ lòng ham lời, ham rẻ… của khách hàng. Đồng thời, cũng phải kể đến chiêu trò lừa đảo của những chủ đầu tư “dự án ma” khi quảng bá công ty có trụ sở là tòa cao ốc chọc trời, quy mô công ty và nhân viên được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, cùng những hứa hẹn tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng.

Thủ đoạn của các “dự án ma” là các đối tượng lừa đảo tìm nhiều khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mỹ miều. Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền.

Đánh vào tâm lý ham lời từ cơn sốt đất của các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An,… nhiều người mạnh tay xuống tiền hòng nhanh chóng “sang tay” mà đâu biết mình sẽ mất trắng. Đến lúc nhận ra mình bị lừa thì doanh nghiệp cùng dự án ma cũng “không cánh mà bay”, không để lại dấu vết. Lúc đó, người dân chỉ còn biết cầu cứu bằng thư tố giác nhưng hy vọng lấy lại những gì đã mất là vô cùng mong manh.

Lý giải nguyên nhân tồn tại các “dự án ma” trên nhiều địa phương, Bộ Xây dựng cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: Thông tin về quy hoạch, dự án chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi. Đồng thời, do hành vi vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh.

Dư luận mong muốn các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn những hành vi của các đối tượng lừa đảo vẽ ra “dự án ma”, qua đó đảm bảo an toàn cho thị trường bất động sản cũng như quyền lợi, tài sản của người dân.

 

Theo Chất lượng và Cuộc sống