Tại sao Foxconn chuyển hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam?
Foxconn, đối tác lớn nhất của Apple sẽ chuyển một phần năng lực sản xuất iPad sang nhà máy ở Việt Nam, trong khi quá trình tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tiến hành.
Foxconn, đối tác lớn nhất của Apple sẽ chuyển một phần năng lực sản xuất iPad sang nhà máy ở Việt Nam, trong khi quá trình tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tiến hành.
Dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại Bắc Giang
Ngày 18/1/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của 3 nhà đầu tư gồm: Dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd; Dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore) với tổng số vốn đăng ký gần 570 triệu USD.
Cụ thể, dự án Nhà máy Fukang Technology đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp Quang Châu với mục tiêu dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD.
Ông Trác Hiến Hồng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam (Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải tại Việt Nam) cho biết: Tính đến tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam là 1,5 tỷ USD; trong đó số vốn đầu tư tại Bắc Giang là 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn lao động. Dự kiến năm 2021 sẽ tăng thêm đầu tư 700 triệu USD và tăng mới 10 nghìn lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định sẽ cung cấp hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tốt nhất có thể đối với các nhà đầu tư như giao thông, điện, nước, môi trường… phục vụ sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cam kết hướng dẫn, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.
Trước đó, hôm 14/1/2021, Foxconn cũng có buổi gặp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm có diện tích 100-150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD một năm. Lãnh đạo Thanh Hoá cho biết tỉnh đã lựa chọn 7 khu công nghiệp có hệ thống hạ tầng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của tập đoàn. Tỉnh cũng cam kết sẽ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho Foxconn thực hiện dự án. Đồng thời, Thanh Hoá cam kết đầu tư xây dựng, kết nối đường giao thông, thông tin, nước đến chân hàng rào dự án.
Tháng 11/2020, Nikkei đã thông tin về kế hoạch mở rộng đầu tư sang Việt Nam của Foxconn, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), nhằm tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như tăng năng lực sản xuất của Foxconn tại Việt Nam.
Đài Loan không phải là thành viên của RCEP và phần lớn hoạt động sản xuất của Foxconn đặt tại Trung Quốc. Trung Quốc tham gia RCEP nhưng vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều công ty, trong đó có Foxconn phải tìm kiếm nơi sản xuất tốt hơn. Trong khi đó, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho nhập các linh kiện và nhân công giá rẻ. Tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Foxconn đặt mục tiêu sản xuất ở ngoài nước này hơn 30% tổng sản phẩm. Hiện tại, các đối thủ của Foxconn như Pegatron và Wistron cũng quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Với một công ty đa quốc gia như Foxconn, việc tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường sử dụng nhiều lao động, chi phí lao động là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất. (Ảnh minh họa: Internet)
Foxconn bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, chủ yếu tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Năm 2019, doanh nghiệp này đã mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và tăng thêm quy mô đầu tư tại Bắc Giang. Đến tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư của Foxconn tại Việt Nam là 1,5 tỷ USD.
Lý do Việt Nam là điểm đến lý tưởng của Foxconn
Với một công ty đa quốc gia như Foxconn, việc tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường sử dụng nhiều lao động, chi phí lao động là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất.
Theo tính toán, tại Việt Nam với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng, cộng với thời gian làm thêm giờ vào khoảng 1,7 - 2,8 triệu đồng, thu nhập hàng tháng của công nhân sẽ là 6 - 7 triệu đồng. Trong khi Foxconn tuyển lao động tại Trung Quốc, lương tháng của lao động phổ thông khoảng 14 - 21 triệu đồng, vị trí càng cao sẽ lên tới 35 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với lương ở Việt Nam.
Ngoài ra, Foxconn có kế hoạch đầu tư 7,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,059 tỷ NDT) vào việc xây dựng ký túc xá cho nhân viên tại Việt Nam. Theo đó, Foxconn dự tính đầu tư xây 3 dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Trong đó, dự án tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có quy mô lớn nhất với 16,7 ha, vốn đầu tư 3.422 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD). Hai dự án còn lại ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có quy mô 6,3 ha, vốn đầu tư 2.925 tỷ đồng (hơn 125 triệu USD) và ở Vĩnh Phúc có quy mô 9,9 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Đại diện của doanh nghiệp Đài Loan cho biết các dự án trên đều đồng bộ công trình nhà ở chung cư và các tiện ích hạ tầng xã hội như y tế, trường học, chợ... đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, phục vụ sinh hoạt cho cư dân trong và ngoài dự án. Song Foxconn cũng than phiền về việc đang gặp rất nhiều khó khăn từ các chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội. Do đó, tập đoàn này kiến nghị cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua và bố trí cho công nhân viên ở. Foxconn cũng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thủ tục hồ sơ về miễn tiền sử dụng đất và chuyển nhượng dự án.
Về việc mở rộng năng lực sản xuất ở Việt Nam, Foxconn từ chối trả lời với lý do chính sách công ty và bí mật thương mại. Mới đây, nhà máy của Foxconn tại Việt Nam đã sản xuất lô tấm nền trưng bày đầu tiên, nhà máy sẽ sản xuất 20.000 tấm mỗi năm, hầu hết dành cho xuất khẩu.
Điều đáng chú ý là quan điểm sản xuất, chi phí lao động và chi phí đất của Trung Quốc đang tăng lên, trong khi Việt Nam đang bắt kịp với giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng. Điểm cộng của Việt Nam là chi phí lao động thấp hơn và chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều hơn. Ngoài ra, từ góc độ giao thông địa lý của Việt Nam, việc phát triển sản xuất có chi phí hậu cần thấp hơn. Do đó, giờ đây không chỉ Foxconn, nhiều công ty Trung Quốc cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Gần đây, Samsung cũng đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam, nhưng giới phân tích cho rằng, điều này có liên quan đến thị phần điện thoại di động Samsung tại Trung Quốc khá ảm đạm. Samsung đã đầu tư 13,7 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng 8 cơ sở sản xuất. Ngoài ra, Samsung thông báo sẽ xây dựng nhà máy Samsung lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
Giới phân tích nhận định, việc Foxconn, Samsung và các công ty khác chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về “an ninh chuỗi cung ứng”, họ cho rằng chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, Việt Nam tham gia RECP là một tín hiệu rất tích cực trong việc mở cửa thương mại.
Nhà lắp ráp chủ lực cho Apple lần đầu tiên cho biết Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Năm nay, Foxconn dự kiến đạt doanh thu xuất khẩu 6 tỷ USD tại Việt Nam, tăng 3 tỷ USD so với năm ngoái và tạo việc làm cho 50.000 lao động Việt Nam, với thu nhập bình quân 10 - 12 triệu đồng một tháng.