Tâm dịch COVID-19 doanh nghiệp hàng không báo lỗ nặng, ACV vẫn lãi gần 1.900 tỉ đồng
Trong khi các doanh nghiệp đều báo lỗ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lại báo lãi gần 1.900 tỷ đồng trong quý I/2020.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-ACV là doanh nghiệp có quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đã lĩnh vực với 12 công ty con, công ty liên kết, liên doanh và đầu tư dài hạn khác. ACV trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, bao gồm 09 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. vận hành 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…
ACV Lãi gần 1,9 tỷ đồng quí I/2020
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường vận tải hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh trên cả hai phân khúc quốc tế và nội địa.
Theo đó, sản lượng khách toàn mạng quý I/2020 giảm 26% so với 2019 và chỉ đạt 18,6% kế hoạch năm, trong đó quốc tế giảm 54% so với cùng kỳ 2019.
Sản lượng tháng 3/2020 tiếp tục ghi nhận sụt giảm mạnh, theo đó sản lượng khách toàn mạng tháng 2, 3 lần lượt giảm so với kỳ tháng trước 29%, 48%, và giảm 59% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp đều báo lỗ thì Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vẫn báo lãi với lợi nhuận quý I/2020 ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.
Nguyên nhân khiến ACV vẫn có lãi trong tâm dịch
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết: “Doanh thu tài chính quý I dự kiến là 1.857 tỷ đồng, cả năm 2020 dự kiến 1.442 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ của ACV chỉ còn 33,9 tỷ đồng, giảm 99,6% so với kế hoạch. Số còn đến từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy 31.000 tỷ đồng của ACV”.
Ông Thanh cho biết thêm, "khoản thu cổ tức từ các công ty con, liên doanh liên kết năm 2020 đều giảm do ngành nghề dịch vụ của các Công ty chủ yếu cung cấp tiện ích dịch vụ hàng không và với ảnh hưởng chung của thị trường tình hình hoạt động các công ty đều có lợi nhuận giảm hơn 95%".
Chủ tịch ACV cho rằng, mức lãi sản xuất kinh doanh như trên thì cũng coi như bằng 0, bởi đó chỉ là con số tài chính, còn thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh bị sụt giảm rất mạnh và chưa biết khi nào kết thúc dịch. Trường hợp dịch kết thúc vào tháng 6/2020, thị trường khách nội địa có thể sẽ phục hồi vào tháng 7 và thị trường quốc tế là tháng 9. ACV đang cố gắng tiết giảm chi phí tối đa để kinh doanh không bị lỗ.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chính là dòng tiền. Các hãng hàng không đều mất hết dòng tiền và mất khả năng trang trải. Còn với ACV, Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho rằng điều may mắn là doanh nghiệp này chưa bị mất cân đối dòng tiền, mọi thứ vẫn được bảo toàn, nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử hàng không.
ACV là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác cảng hàng không. Vì vậy, khi các hãng hàng không không hoạt động, không sử dụng dịch vụ của ACV, doanh nghiệp này không có giá trị gia tăng về lợi nhuận. Tuy nhiên, với vai trò nhà quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước, ACV phải đảm bảo việc duy trì vận hành hệ thống cảng hàng không liên tục và an toàn.
Hiện ACV đã giảm một số loại phí dịch vụ trong thẩm quyền quyết định của doanh nghiệp này. Nếu các đề xuất giảm thuế, phí hàng không của các hãng và Bộ GTVT được chấp thuận, thêm nhiều loại thuế phí trong danh mục nhà nước quản lý và một số loại phí do ACV quản lý sẽ tiếp tục giảm, trợ lực cho các doanh nghiệp khác trong ngành.
Với mô hình doanh nghiệp quản lý khai thác hạ tầng Cảng hàng không hơn 70% chi phí của ACV là chí phí cố định như chi nhân viên, chi bảo trì vận hành hệ thống thiết bị và kết cấu hạ tầng Cảng theo tài liệu quy chuẩn kỹ thuật, chi cho công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không, chi nộp nhượng quyền khai thác, các khoản nộp thuế đất…
Như vậy trong trường hợp tần suất khai thác giảm đặc biệt sản lượng quốc tế giảm, ACV vẫn phải đảm bảo việc duy trì vận hành hệ thống cảng hàng không liên tục và an toàn.
ACV đang khai thác, vận hành 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Chỉ có Vân Đồn là sân bay do doanh nghiệp tư nhân xây dựng và khai thác.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của ACV đạt lần lượt là 58.176 tỷ đồng và 36.757 tỷ đồng. Chiếm hơn nửa tổng tài sản của ACV là hơn 31.270 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm – tăng 7.191,5 tỷ đồng so với cuối năm trước. Với nguồn tiền gửi lớn, trong năm 2018 và 2019, ACV đã thu về lần lượt là là 1.276 tỷ và 1.801 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Lượng tiền gửi ngân hàng này đã cao hơn con số 25.000 tỷ đồng ACV từng tuyên bố dành ra để thi công giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Doanh nghiệp cũng dự kiến tích lũy đến 87.500 tỷ vào năm 2025 để đầu tư nhiều dự án cảng hàng không khác trong khi xây dựng sân bay Long Thành.
Dự báo thị trường vận tải hàng không quí 2/2020 không mấy khả quan
Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không cho biết, thị trường vận tải hàng không Việt Nam trên cả 2 phân khúc quốc tế và nội địa liên tục sụt giảm nhanh, mạnh so với cùng kỳ và kế hoạch năm.
Sân bay Tân Sơn Nhất chật kín tàu bay “đắp chiếu”.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không trên cả nước chỉ đạt 24 triệu khách, giảm 12,4% so với cùng kỳ 2019.
Trong đó, khách quốc tế đạt 7 triệu, giảm 31,6%; khách nội địa đạt 17 triệu khách, giảm 0,7%. Riêng trong tháng 3, lượng hành khách thông qua cảng đạt 5,7 triệu, giảm 42% so với cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa đạt 4,7 triệu khách, giảm 25%; khách quốc tế đạt 1 triệu khách, giảm kỷ lục tới 71%.
Dự báo trong quý 2, thị trường hàng không sẽ tiếp tục đà suy thoái, đặc biệt khi tháng 4 chứng kiến việc cắt giảm tần suất bay kỷ lục.
Theo Thanh Nga(T/H)/Sở hữu trí tuệ