Tận dụng pha phục hồi: RDP bứt phá, 1 mã logistics xác lập đỉnh mới
Tận dụng pha hồi phục mạnh của thị trường chứng khoán, không ít cổ phiếu băng băng vượt đỉnh trong tuần giao dịch vừa qua.
Kết thúc tuần giao dịch 12/8 - 16/8, thị trường chứng khoán đã để lại nhiều cảm xúc khi bất ngờ bứt phá sau nhiều phiên tích lũy. Cụ thể, sau 4 phiên side-way quay mốc 1.225 điểm, VN-Index bất ngờ “vút bay” gần 30 điểm trong phiên giao dịch 16/8, qua đó quay lại mốc 1.252 điểm.
Trước nhịp hồi phục mạnh mẽ của thị trường, nhiều cổ phiếu đã bứt phá mạnh mẽ.
Trên sàn HoSE, với nhiều phiên tím trần liên tiếp, RDP là cổ phiếu nổi bật nhất nhóm với đà tăng 33%. Với việc hồi phục về ngưỡng 2.940 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Rạng Đông Holding đã quay trở lại mốc 144 tỷ đồng.
Đà tăng ấn tượng của cổ phiếu RDP diễn ra sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm, trượt dài về đáy lịch sử. Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến cổ phiếu RDP liên tục giảm sâu chủ yếu do kết quả kinh doanh “bết bát” của doanh nghiệp cũng như việc chủ tịch Hồ Đức Lam liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu suốt thời vừa qua.
Xếp ngay sau RDP, L10 là cổ phiếu tăng mạnh thứ hai với biên độ 22,01%, qua đó quay lại mức 22.900 đồng/cp. Với hơn vỏn vẹn gần 9,8 triệu cổ phiếu lưu hành, vốn hóa của Công ty CP Lilama 10 đã hồi phục về mốc 224 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lượng lớn cổ phiếu đều nằm trong tay cổ đông lớn, khối lượng giao dịch trung bình của ADP chỉ ở mức “nhỏ giọt”, khoảng vài trăm tới vài nghìn đơn vị trên một phiên.
Xếp vị trí thứ 3 là cổ phiếu PVP của Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PV Trans Pacific). Với đà tăng 16,4%, cổ phiếu này đã có một màn "phá đỉnh" ấn tượng. Theo đó, vốn hóa của PV Trans Pacific vượt ngưỡng 1.800 tỷ đồng. Diễn biến tích cực của cổ phiếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh vượt trội cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Kết thúc quý II, doanh nghiệp logistics này báo lãi sau thuế gần 63 tỷ đồng tiền lãi sau thuế, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của PV Trans Pacific đạt 733 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng đạt 109 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Tương tự RDP, cổ phiếu LEC của Công ty CP Bất động sản điện lực Miền Trung cũng bắt đầu hồi phục sau khi trượt dài về vùng đáy. Trong phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu này đóng cửa trong trạng thái “trần cứng”, qua đó đưa vốn hóa của Bất động sản điện lực Miền Trung nhích nhẹ lên mốc 173 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lượng hàng trôi nổi phần lớn nằm trong tay tổ chức, thanh thanh khoản của mã chỉ đạt khoảng vài trăm đơn vị/ngày. Đây cũng là một trong những cổ phiếu có mức thanh khoản thấp nhất sàn HoSE.
Sau nhóm vốn penny và midcap, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng trở lại với đà tăng trên 12,3%, qua đó xếp vị trí thứ 5. Với nhịp hồi phục sau khi điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 0,68, vốn hóa của hãng hàng không quốc gia đã quay lại mốc 47.388 tỷ đồng. Trong các phiên tới, nếu bứt phá qua vùng 24.000 đồng/cp, HVN hoàn toàn có thể “cất cánh” và chinh phục lại "bầu trời".
Các vị trí còn lại trong nhóm 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE trong tuần qua lần lượt thuộc về các cổ phiếu NAB (12%), TDC (11,5%), VOS (10,3%), APG (9,6%), TCH (9,3%). Trong số này, NAB để lại dấu ấn khi xác lập mức đỉnh lịch sử quanh vùng 17.000 đồng, qua đó đưa vốn hóa của Nam Á Bank vượt 22.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm mạnh nhất sàn HoSE bao gồm: DAG (-14,4%), DXV (-11%), TCR (-9%), S4A (-8,2%), GEG (-8,1%), MCP (-7,8%), SRC (-7%), COM (-6,9%), PNC (-6,3%), PJT (-5,2%).
Nhóm penny tiếp tục dẫn đầu đà tăng trên HNX
Trong tuần qua, nhóm penny tiếp tục dẫn đầu trên sàn HNX. Với đà tăng 32,6%, BXH hiện là cổ phiếu penny tăng mạnh nhất sàn HNX. Theo sau là cổ phiếu ATS của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư ATS với mức tăng 25%.
Sau ATS, 2 mã penny khác là CTP và SGH cũng để lại dấu ấn với mức tăng 25% và 20%. Tương ứng, vốn hóa của Công ty CP Minh khang Capital Trading Public và Công ty CP Khách Sạn Sài Gòn lần lượt đạt 157,3 và 309 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là cổ phiếu VCM và NTP với mức tăng 19,8% và 17,6%. Đáng chú ý, cổ phiếu NTP đã xác lập đỉnh mới, qua đó đưa vốn hóa của Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX lần lược thuộc về các cổ phiếu VE1 (15,6%), DL1 (14%), VC6 (13,9%), HBS (13,8%), VC9 (13,2%).
Chiều ngược lại, cổ phiếu HMR tiếp tục ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp bị bán tháo, qua đó là cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HNX khi mất tới 33% giá trị.
Các cổ phiếu nằm trong top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất bao gồm có CMS (-19,9%), HTC (-19,2%), NFC (-18%), TXM (-17%), VE3 (-15,5%), TFC (-15,1%), DTC (-14,8%), GKM (-14,3%), PTD (-12,5%).
Cổ phiếu vận tải dẫn đầu trên sàn UPCoM
Trên sàn UPCoM, PLO của Công ty CP Kho vận Petec ghi nhận biến động mạnh nhất tuần với đà tăng gần 70%, tương ứng 5 phiên tăng trần. Đáng nói, ngay trong phiên giao dịch 16/8, cổ phiếu này ghi nhận tín hiệu lạ khi chỉ được giao dịch ở 2 mức giá sàn và giá trần. Với hơn 7 triệu cổ phiếu được lưu hành, chiếu theo mức giá 5.400 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Kho vận Petec mới chỉ đạt khoảng 38,8 tỷ đồng.
Sau PLO là cổ phiếu DCF với mức tăng 48,2%. Tương ứng, vốn hóa của Công ty CP Xây dựng và Thiết kế số 1 lên mức 2.100 tỷ đồng. Mặc dù đạt vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên cổ phiếu DCF lại rơi vào tình trạng “tắt” thanh khoản trong vòng nhiều tháng trở lại đây.
Ngay sau DCF, một cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng là C92 đứng vị trí thứ 3 với đà tăng trên 41,2%. Với đà tăng trưởng thần tốc, vốn hóa của Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 hiện đã vượt 25 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là 2 cổ phiếu NAC và MEF với đà tăng lần lượt là 40% và 38,1%. Với nhịp tăng trên, vốn hóa của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Tổng hợp và Công ty CP MEINFA lần lượt đạt 2 tỷ và 22,4 tỷ đồng
Sau cùng, các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn UPCoM lần lượt thuộc về các cổ phiếu VNA (35,5%), CNN (34,6%), AVG (33,3%), PTX (31,7%), PND (30%).
Chiều ngược lại, với biên độ từ 17% - 40%, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM lần lượt là CCA, VWS, DPC, CMM, C21, CDR, TT6, ICC, BHC, SKN.