Tăng 1,4 triệu đồng tuần qua, vàng sẽ tăng giá tiếp nhờ suy thoái kinh tế?

Giá vàng hôm nay (30/7) trên thế giới và ở trong nước đang tiếp đà đi lên, hướng đến tuần khởi sắc nhất trong các tháng qua.

Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng vì nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế.
Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng vì nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế.

Hôm nay (30/7), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá phiên giao dịch cuối tuần với giá niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, giá vàng trong nước tuần này đã tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng thế giới ngày 30/7 đang ở mức 1.767 USD/ouce, tăng 40 USD/ounce so với cuối tuần trước. Tính quy đổi, giá vàng thế giới đã găng thêm gần 1,2 triệu đồng mỗi lượng trong vòng 1 tuần.

So với mức giá ở phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá vàng SJC lúc đó giao dịch ở mức 61 triệu đồng/lượng, tính đến nay, nhà đầu tư trong nước khi bán vàng vẫn còn lãi hơn 5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên so với mức giá đỉnh kỷ lục ngày 8/3 là 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm hơn 7 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức, 52,3 - 53,2 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

So với tuần trước được xem là tuần lễ “sóng gió” của vàng miếng SJC khi giá vàng trong nước tăng giảm mạnh và không theo quy luật thế giới. Trong tuần này giá vàng ít có các phiên tăng giảm giá quá mạnh. Mức cao nhất ghi nhận biến động giá chỉ tăng 700.000 đồng/lượng.

Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC tuần này được duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng, giảm khá nhiều so với mức hơn 2 triệu đồng/lượng của tuần trước. Mức chênh lệch mua- bán càng cao cho thấy sự biến động giá vàng liên tục nên các đơn vị kinh doanh phải kéo giãn chênh lệch mua- bán để đảm bảo không bị lỗ khi giá vàng giảm nhanh.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC gần 17 triệu đồng/lượng.

Trong tuần, Hội đồng vàng thế giới vừa công bố nhu cầu vàng toàn cầu (trong quý II/2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 948 tấn. Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF (Exchange Traded Fund - Quỹ hoán đổi danh mục) mạnh mẽ trong quý I, nhu cầu vàng nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021, ở mức 2.189 tấn.

Đáng chú ý là tại Việt Nam, bất chấp giá vàng miếng đắt nhất thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tăng 11% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý II/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022; đồng thời nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý II/2021 lên 4,5 tấn trong quý II/2022. 

Theo nhà phân tích của WGC, thị trường vàng sẽ mang lại cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng vì nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế.

WGC hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng, ngay cả khi tốc độ chậm lại trong suốt thời gian còn lại của năm. 

Đầu ngày 30/7, giá vàng hôm nay thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.767 USD/ounce. Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.766,5 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.781,8 USD/ounce.

Theo chiến lược gia của State Street Global Advisors, vàng giảm xuống dưới 1.700 USD trong ngắn hạn và quay trở lại trên 1.750 USD thể hiện giá trị ổn định. Ông dự báo, vàng có thể kết thúc năm trên mức 2.000 USD/ounce.

Chuyên gia thị trường của State Street Global Advisors dự đoán, giá vàng giao dịch trong khoảng 1.800- 2.000 USD/ounce trong năm nay và vẫn có khả năng kim loại quý có thể kết thúc năm trên mức 2.000 USD/ounce. Lý do các bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, các bất ổn địa chính trị lớn, giá vàng sẽ tăng, không sớm thì muộn.

Bích Thủy

Theo VietnamFinance