Tăng lãi suất đột ngột khiến doanh nghiệp gặp khó

Trước sức ép của lạm phát và tăng lãi suất, các chuyên gia cho rằng, lãi suất nếu buộc phải tăng thì nên tăng từ từ. Nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi.

 

Tăng lãi suất đột ngột khiến doanh nghiệp gặp khó - Ảnh 1

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất nếu buộc phải tăng thì nên tăng từ từ, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi.

Trong một diễn đàn mới đây,  TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) nhận định, trong bối cảnh thế giới như hiện nay, năm tới kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, tăng trưởng chậm lại kèm lạm phát sẽ cao hơn. Theo kịch bản cơ sở do ông cùng nhóm nghiên cứu dự báo, tăng trưởng năm 2023 ở mức 6 - 6,5%, lạm phát đạt 4 - 4,5%.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ về cơ bản đã nhận diện được những rủi ro này nên đặt mục tiêu tăng trưởng năm tới ở mức 6,5%, chấp nhận lạm phát 4,5%. “Để đạt được tăng trưởng 6,5% năm tới chúng ta phải hết sức phấn đấu, đây là kịch bản khả quan nhất vì khó khăn rất nhiều. Xuất khẩu, đầu tư, du lịch quốc tế sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh thế giới suy thoái nhẹ như vậy”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến FDI đã và đang bị ảnh hưởng, vốn đăng ký mới giảm hơn so với các năm trước do bối cảnh thế giới nhiều bất định, rủi ro nên dòng vốn có xu hướng thu về những chỗ ít rủi ro hơn.

Một điểm quan trọng, nói về vấn đề lãi suất và tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận lãi suất của Việt Nam đã tăng tương đối nhanh trong khoảng hai tháng qua.

TS. Lực cho rằng, lãi suất không thể và không nên tăng nhanh, tăng quá mạnh trong thời gian tới. Do đó, nếu buộc phải tăng thì nên chỉ tăng từ từ, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chịu được vì đã gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khi áp lực lạm phát, áp lực tỷ giá toàn cầu đã giảm dần, chúng ta không cần phải tăng lãi suất mạnh và nhanh như vậy.

"Áp lực tỷ giá sẽ dịu dần và năm tới hy vọng mức độ mất giá của VND so với USD sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm nay", Kinh tế trưởng của BIDB nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lực, các cơ quan quản lý cần hướng vào điểm trung tính, cân bằng tốt hơn giữa bài toán lãi suất và tỷ giá. Theo đó, "chúng ta ưu tiên hơn bài toán linh hoạt tỷ giá và cố gắng không tăng lãi suất, có tăng thì mức độ nhẹ nhàng", vị chuyên gia đề cập.

Tại một diễn đàn khác, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cũng cho rằng, về chính sách tài khóa, cần đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công gồm hai chỉ tiêu là ổn định quy mô nợ công theo thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, một chính sách khó dự đoán, bất ngờ, không minh bạch sẽ gây bất ngờ cho nền kinh tế và tạo ra cú sốc tiêu cực. Chính sách tiền tệ cần phải thực hiện theo những quy tắc nhất định, tăng hay giảm lãi suất đều phải có lý do. Ví dụ điều chỉnh lãi suất theo mục tiêu ổn định lạm phát hay ổn định tỷ giá hay giảm tỷ lệ thất nghiệp. Khi đó, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ dự báo được.

Nhìn sang Mỹ, khi Fed chưa điều chỉnh lãi suất, thị trường và doanh nghiệp đã dự đoán được xu hướng bởi họ căn cứ vào những thông tin về diễn biến lạm phát, thị trường tài chính, số người thất nghiệp. Họ dự đoán được lãi suất tăng bao nhiêu và không bất ngờ, không sốc tiêu cực.

“Chính sách tiền tệ của Việt Nam gần như không có giải trình. Cả một thời gian dài không tăng lãi suất, đến tháng 9 và tháng 10 tăng hai lần gây ra cú sốc bất ngờ cho nền kinh tế, làm cho môi trường kinh tế vĩ mô rủi ro. Người dân và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh dài hạn”, ông nói.

Ông cũng khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay vì chính sách neo tỷ giá cứng nhắc như hiện nay.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, các nước ASEAN-5 hiện vẫn theo chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý và từ đầu năm đến nay và đồng tiền của họ mất giá 9-10% tương đương chúng ta, nhưng họ không bị vướng vào vấn đề lãi suất.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống