Tập đoàn Bảo Việt: Cứ ôm đất rồi bỏ hoang

Là doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) còn lấn sân sang kinh doanh BĐS với hàng loạt các dự án đất vàng tại Hà Nội. Thế nhưng, nhiều năm qua, những dự án trên “đất vàng” này của tập đoàn vẫn bất động.

Dù được giao nhiều khu đất với diện tích hàng nghìn m2, nhưng nhiều năm qua hàng loạt dự án bất động sản của Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang, chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, lãng phí ngân sách Nhà nước, gây mất mỹ quan Thủ đô và làm mất cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư có năng lực.

Nhiều dự án bị bỏ hoang

Theo tìm hiểu, hiện nay hàng loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố Hà Nội bao gồm: Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì; Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy.

Cận cảnh dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 bị bỏ hoang.
Cận cảnh dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 bị bỏ hoang.

Cụ thể, dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế sẽ là tòa nhà văn phòng hạng A, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Để thực hiện dự án, năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC - Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, một đối tác góp 50%.

Dự án có vị trí 3 mặt đường, ngay ngã tư Trần Duy Hưng và Hoàng Minh Giám và nằm ngay bên cạnh tổ hợp Big C Thăng Long. Đối diện dự án là khu căn hộ cao cấp của Tân Hoàng Minh có giá lên tới 60- 70 triệu đồng/m2. Dự án được xây văn phòng tạm là dãy nhà cấp 4, thế nhưng do bỏ hoang nhiều năm, văn phòng tạm đã xuống cấp. Xung quanh dự án cỏ mọc um tùm, khoảng sân trong dự án giờ làm nơi đỗ xe.

Một dự án khác có sự đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt là khu văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại là: Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013.

Tuy nhiên, đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện. Dự án giờ đang bị “xẻ thịt” làm các dịch vụ kinh doanh như: gửi xe, sân tennis… Điều đáng nói là, mới đây, gần 95,2% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo Khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh BĐS, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Dự án Nhà ở cao tầng để bán tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội cỏ mọc um tùm, trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm.
Dự án Nhà ở cao tầng để bán tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội cỏ mọc um tùm, trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm.

Dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt ở huyện Thanh Trì là một dự án kín tiếng, rất ít thông tin của Tập đoàn Bảo Việt. Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt – Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô xây dựng 32.973m2 tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Công trình gồm 29 tầng và 02 tầng hầm bố cục thành 3 phần, đế, thân và mái; trong đó tầng hầm 1 và 2 bố trí khu để xe và các phòng kỹ thuật; tầng 1 bố trí khu sảnh chính, văn phòng dịch vụ, tầng 2 bố trí khu dịch vụ, phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ; từ tầng 3 đến tầng 29 bố trí 24.368 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 32.966m2.

Hiện dự án vẫn là bãi đất hoang, bên trong khu đất cỏ mọc um tùm, trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm. Người dân sống cạnh khu đất này cho biết, trong khu đất cỏ um tùm, nhiều vũng nước tụ đọng, ngoài ra còn nhiều căn nhà hoang chưa bị phá bỏ và rác thải bị vứt trộm khiến khu đất trở thành nơi sinh sôi của ruồi muỗi, côn trùng gây ô nhiễm và đe dọa sức khỏe người dân nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt còn một dự án khác tại huyện Mê Linh, Hà Nội từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm, đó là Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Bảo Việt đã liên kết với Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn hơn 65 tỷ đồng để đầu tư dự án này. Công ty Long Việt cũng chính là là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Sau gần 20 năm được giao đất, hiện dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh vẫn đang bị bỏ hoang.

Kinh doanh đa ngành nhưng lợi nhuận khiêm tốn

Từ một tập đoàn hàng đầu về kinh doanh bảo hiểm, kể từ khi lấn sân sang các ngành ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này cho đến nay đều có kết quả không mấy khả quan.

Theo báo cáo kết quả hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt trong quý 1/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tính đến 31/03/2022 đạt gần 9,438 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 (quý 1/2021 đạt 8,557 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 511 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của BVH.
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của BVH.
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của BVH.
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý I/2022 của BVH.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, lãnh đạo BVH cho biết: “Hiện nay, vốn điều lệ của Công ty mẹ BVH là 7,423 tỷ đồng, vốn chủ hữu trên 18,000 tỷ đồng và vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết trên 14,000 tỷ đồng. Còn hơn 4,000 tỷ đồng sắp tới sẽ được sử dụng chi trả cổ tức và còn 2,000 tỷ đồng vốn từ phát hành riêng lẻ.

Trong giai đoạn 10 năm tới, nhu cầu vốn của BVH lên đến 4,000-5,000 tỷ đồng. Để giải quyết bài toán thiếu vốn, BVH cho biết từ nay đến năm 2025 sẽ xem xét nghiên cứu báo cáo cổ đông lớn về phương án cổ phần hóa để kêu gọi thêm các cổ đông.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang sở hữu 65% vốn tại BVH. Từ nay đến 2025, vốn Nhà nước tại BVH vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ 65%. Giai đoạn 2026-2030, cổ đông Nhà nước – Bộ Tài Chính sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 65% về 51%, khi giảm như vậy Bộ Tài chính sẽ sử dụng kết hợp nhiều phương án.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống