Tập đoàn FLC bị cưỡng chế thuế hơn 238 tỷ đồng
Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 8 quyết định cưỡng chế thuế do nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày đối với Tập đoàn FLC. Tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 238 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) vừa công bố thông tin nhận được các quyết định cưỡng chế thuế của Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương.
Cụ thể, ngày 17/06, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 8 quyết định cưỡng chế thuế do nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày đối với Tập đoàn FLC. Tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 238 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và gần 45 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Theo cơ quan thuế, FLC sẽ bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản ở các ngân hàng VPBank - Chi nhánh Hà Nội, VIB - Chi nhánh Quận 1 TPHCM, OCB - Chi nhánh Hà Nội, Agribank - Chi nhánh Tây Đô, Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa, Vietcombank - Chi nhánh Vĩnh Phúc, VietinBank - Chi nhánh Thanh Hóa, BIDV - Chi nhánh Thanh Xuân.
Trước đó, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã ban hành 20 quyết định cưỡng chế thuế thông qua biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với Tập đoàn FLC. Tổng số tiền bị cưỡng chế lên hơn 93,58 tỷ đồng, bao gồm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp...
Tập đoàn FLC mới đây đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024. Ban lãnh đạo FLC cho biết, giai đoạn 2022 - 2023 là thời điểm "vô cùng gian nan, thách thức" do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ án của ông Trịnh Văn Quyết.
Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, số lượng cán bộ nhân viên hiện còn 3.500 người, tổng lương thưởng 2023 hơn 300 tỷ đồng; 50% phòng ban được sáp nhập. Hệ thống FLC hiện còn 14 công ty con và 1 công ty liên kết.
Tuy nhiên đến nay, FLC vẫn chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022 và 2023.