Tập đoàn Masan dồn dập phát hành trái phiếu để đảo nợ
Tập đoàn Masan dồn dập huy động vốn qua kênh trái phiếu nhằm mục đích đảo nợ trong bối cảnh dòng tiền khan hiếm, khối nợ đang ngày càng phình to và cơ cấu vốn mất cân đối.
Khát vốn, Tập đoàn Masan tiếp tục muốn chào bán 1.700 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ
Mới đây, DMHĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá tối đa 1.700 tỷ đồng, dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Lô trái phiếu có tên MSNH2227007, mệnh giá 1 tỷ đồng đồng/trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng (5 năm).
Trái phiếu được chào bán bằng đồng Việt Nam, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của tổ chức phát hành.
Hình thức chào bán là phát hành riêng lẻ theo quy định của Nghị định 153. Đại lý phát hành là công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS).
Tập đoàn Masan dự kiến, tất cả trái phiếu sẽ chào bán vào một đợt trong quý IV/2022. Trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ 4,1%/năm.
Phương thức thanh toán gốc trái phiếu vào một lần ngày đáo hạn, ngày trái phiếu được mua lại trước hạn. Còn lãi trái phiếu sẽ được thanh toán vào ngày cuối cùng của mỗi kỳ tính lãi, ngày đáo hạn hoặc ngày trái phiếu được mua lại trước hạn.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Tập đoàn Masan dùng để thanh toán cho toàn bộ hoặc một phần khoản nợ trái phiếu.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Tập đoàn Masan cũng công bố phương án phát hành ra công chúng hai lô trái phiếu với tổng trị giá 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm với mục đích đảo nợ. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý I và quý II/2023.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Masan sẽ dùng 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của trái phiếu có mã MSN12001 với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023.
2.000 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của trái phiếu có mã MSN12003 với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng, được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023.
Hồi tháng 9/2022, Tập đoàn Masan đã huy động thành công hai lô trái phiếu với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng cũng mục đích đảo nợ.
Hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào ngày 21/9/2027, dùng để thanh toán một phần gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.
Liên quan đến tình hình huy động vốn, gần đây Ngân hàng HSBC Việt Nam cùng với một số định chế tài chính khác cung cấp cho Tập đoàn Masan và Công ty TNHH The Sherpa, công ty con trực thuộc Masan Group một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD phục vụ cho mục đích đầu tư phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các mục tiêu chiến lược dài hạn của Masan và các mục đích chung của công ty.
Tập đoàn Masan giảm kế hoạch lợi nhuận, khối nợ đang phình to
Cuối tháng 10, Tập đoàn Masan (MSN) cũng thông báo hạ kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 xuống còn 4.800 - 5.500 tỷ đồng, thấp hơn 30% - 35% so với mục tiêu lãi từ 6.900 - 8.500 tỷ đồng đã đề ra vào đầu năm nay.
Cụ thể, trong quý 3 vừa qua MSN ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 19.520 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế hơn 840 tỷ đồng, tương đương giảm gần 17% và 47% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn này cho biết kết quả kinh doanh suy giảm do lợi nhuận sau thuế của MEATLife và Masan High-Tech Materials giảm. Đồng thời bị ảnh hưởng từ khoản lỗ chưa được hiện thực hóa do biến động tỷ giá hối đoái tăng khi đánh giá lại khoản nợ bằng USD, thu nhập từ Techcombank giảm...
Riêng chuỗi trà và cà phê Phúc Long, sau 9 tháng đầu năm, nhằm tiết kiệm chi phí và tập trung vào các cửa hàng flagship, Phúc Long đã đóng cửa các ki ốt kém hiệu quả.
Dựa vào kết quả hoạt động vừa qua, Masan giải thích việc hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022 rằng: "Do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên, con số này vẫn thể hiện mức tăng trưởng vững chắc khi chuẩn hóa mức nền cao của năm 2021".
Tình hình tài chính tại ông lớn tiêu dùng này cũng không mấy suôn sẻ khi nợ ngày càng phình to, cơ cấu vốn mất cân đối.
Cụ thể, tính đến hết quý 3/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Masan đạt hơn 128.431 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 29% với mức 36.801 tỷ đồng, giảm 16%; tài sản dài hạn chiếm tới 71%, đạt hơn 91.629 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.
Tuy quy mô tại Masan có tăng nhẹ nhưng nguồn vốn lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm hơn 72%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm gần 28%.
Cụ thể, tính đến cuối quý 3/2022, nợ phải trả tại Masan Group ghi nhận hơn 92.829 tỷ đồng, tăng gần 9.073 tỷ đồng, tương đương tăng 11% so với đầu năm (bao gồm: nợ ngắn hạn hơn 63.610 tỷ đồng và nợ dài hạn ghi nhận 29.219 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại giảm 16% so với đầu năm, còn 35.601 tỷ đồng. Do đó, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Masan Group là 2,6 lần.
Đặc biệt, tổng nợ vay tại Tập đoàn Masan tính đến hết quý 3/2022 cán mốc hơn 60.931 tỷ đồng. Trong đó, vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng đến 113% so với đầu năm, ghi nhận gần 40.144 tỷ đồng; vay, trái phiếu dài hạn và nợ thuê tài chính dài hạn giảm 47%, ghi nhận hơn 20.787 tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn nữa, tính đến hết quý 3/2022, nợ ngắn hạn tại MSN cao gấp 1,7 lần tài sản ngắn hạn. Và tình trạng tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn tại doanh nghiệp này đã kéo dài nhiều năm qua đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trước thực trạng tài chính bất ổn, doanh nghiệp liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất khá cao, chắc chắn trong tương lai Tập đoàn Masan sẽ có thêm một ‘núi’ dư nợ vay trái phiếu.