Tập đoàn Masan thay đổi phương án phát hành riêng lẻ 1.500 tỷ đồng trái phiếu
Sau điều chỉnh, số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hôm 19/9 công bố Nghị quyết HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) ghi ngày 16/9 về việc thay đổi phương án phát hành riêng lẻ hai lô trái phiếu doanh nghiệp, với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng, cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, HĐQT Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã phê duyệt phương án phát hành hai lô chứng khoán, tương ứng 700 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, kỳ hạn đều là 60 tháng, lãi suất 2 kỳ đầu cố định 9,5%/năm, còn lại thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu (là trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV).
Cả hai lô trái phiếu, trị giá tổng cộng 1.500 tỷ đồng, dự kiến được chào bán trong một đợt và vào khoảng trong quý III/2022.
Doanh nghiệp dự kiến phát hành trong quý III năm nay, do Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc, bất kỳ Phó tổng giám đốc, Giám đốc Tài chính quyết định. Ban đầu mục tiêu dùng số tiền thu được để thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 được phát hành ngày 26/9/2019. Sau điều chỉnh, số tiền này sẽ được dùng để thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.
Hồi đầu năm 2020, Masan đã phát hành thành công lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản - BondMSN012023, với tổng trị giá 3.000 tỷ đồng (phát hành ngày 9/3/2020, kỳ hạn 3 năm) và lãi suất là 9,3%/năm cho kỳ đầu tiên (6 tháng) và sau đó là trung bình cộng lãi suất tiền gửi cá nhân VND trả sau kì hạn 12 tháng của VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV cộng biên độ 2,5%/năm.
Tại thời điểm 30/6, nợ vay tài chính của công ty ở mức 56.872 tỷ đồng, giảm 2,3% so với đầu năm, trong đó 54% là nợ ngắn hạn. Nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp này ở mức 21.872 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 34.479 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 38.796 tỷ đồng, giảm 8,3% và thấp hơn tổng nợ vay do phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này là âm 4.332 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ từ 90-100 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22-36%.
Tính tới cuối 2021, Masan có vốn chủ sở hữu hơn 42,3 nghìn tỷ đồng; hệ số nợ/VCSH 1,98 lần; dư nợ trái phiếu/VCSH 0,83. Dự kiến sau phát hành trái phiếu lần này, các tỷ lệ trên tương ứng là gần 39,6 nghìn tỷ đồng, 2,22 lần và 0,91 lần.
Về tình hình thanh toán các khoản nợ đến hạn, theo báo cáo, Masan đã thanh toán đầy đủ gốc và lãi của các trái phiếu đã phát hành (và đến hạn) và các khoản nợ đã đến hạn khác trong năm 2019, 2020, 2021 và tính đến thời điểm hiện tại.
Thời gian gần đây, Tập đoàn Masan liên tục dính nhiều lùm xùm xung quanh các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình là vụ Đài Loan phát hiện mì Omachi của Tập đoàn Masan chứa chất cấm, tiêu hủy lô hàng 1.440kg. Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) - nhà sản xuất mì Omachi đã lên tiếng cho biết kết quả kiểm tra ban đầu ghi nhận công ty không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan như thông tin cảnh báo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA). Masan Consumer cũng cho biết, do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên các sản phẩm mì Omachi mà Masan Consumer sản xuất khi xuất khẩu cho từng quốc gia và các khu vực cũng khác nhau để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường sở tại.
Gần đây nhất, vụ “rau sạch dởm” xuất hiện trên kệ hàng của Winmart (WCM ) cũng khiến dư luận dậy sóng. Được biết, Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (Trình Nhi Foods) cung cấp rau sạch dởm, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP.
WinCommerce xác nhận nhà cung cấp Trình Nhi có cung ứng rau cho WCM. Đơn vị này đã nhanh chóng kiểm tra dữ liệu nhà cung cấp Trình Nhi (Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, hay còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. WinCommerce cũng cho biết đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce.