Tập đoàn ngoại sẵn hàng tỷ USD: Chờ gỡ vướng pháp lý, tiền 'đổ bộ' vào Việt Nam
Năm 2023, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai thu hút gần 4,67 tỷ USD vốn FDI, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các dự án được tháo gỡ pháp lý khẩn trương hơn nữa thì DN nước ngoài "đổ bộ" vào thị trường này sẽ nhanh và mạnh hơn nữa.
Bất động sản nhà ở Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn
Khảo sát "Ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024" của CBRE, Việt Nam đứng thứ hai trong số các thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng, đặc biệt là lĩnh vực phát triển BĐS.
Còn chuyên gia JLL Việt Nam cho rằng BĐS Việt Nam thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến là các nhà đầu tư nước ngoài, với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các doanh nghiệp tại địa phương.
Nhà đầu tư Nhật Nishi Nippon Railroad mới đây đã góp vốn 35% trong giai đoạn 1 của dự án Waterpoint Nam Long (Long An) có tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng. Hay như Tập đoàn Surbana Jurong đến từ Singapore hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do Kim Oanh làm chủ đầu tư.
Theo thỏa thuận, Kim Oanh Group và Surbana Jurong sẽ hợp tác phát triển một loạt dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực phía Nam. Ngoài ra, Surbana Jurong sẽ chịu trách nhiệm tư vấn quy hoạch khu đô thị và tư vấn kiến trúc cho các dự án mà Kim Oanh Group triển khai.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng bắt tay với Marubeni, tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Hai bên hợp tác đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới TP. Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Một đại gia khác cũng đến từ Singapore là CapitaLand Group đang xem xét việc mua một phần trong dự án Ocean Park 3 của Vinhomes với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những giao dịch BĐS lớn nhất Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây.
Đối với phân khúc nhà ở, khu đô thị, Gamuda đã mua thêm một dự án 3,68ha tại TP. Thủ Đức với giá 305 triệu USD vào đầu tháng 7/2023 là thương vụ dẫn đầu trong phân khúc. Ngoài ra, còn có một số thương vụ nổi bật khác như Keppel Corporation mua lại dự án 11,8 ha từ Khang Điền với giá 277 triệu USD và một dự án bán lẻ ở trung tâm Hà Nội với giá khoảng 80 triệu USD.
Đánh giá các phân khúc cụ thể, đại diện Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định, phân khúc nhà ở luôn là loại hình hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Việt Nam được xếp trong nhóm các nước đông dân thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Hơn nữa, mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số thuộc độ tuổi 15 - 64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP. HCM, càng làm tăng tính hấp dẫn của thị trường nhà ở đối với FDI.
Thị trường “nở rộ” với chủ đầu tư FDI khác như Hong Kong Land, Frasers Property, Daiwa House, Nomura… đã thúc đẩy số lượng căn hộ cao cấp của khối ngoại ở TP. HCM tăng tới 23.800 căn vào quý IV/2023, so với số lượng chỉ 1.000 căn năm 2008.
Cần nhiều trợ lực hơn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), BĐS nhà ở thương mại có vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn đối với tăng trưởng kinh tế, tiềm lực thu hút vốn ngoại còn dồi dào.
“Các doanh nghiệp FDI phần lớn đầu tư vào dự án quy mô lớn, có những yêu cầu cao về tiêu chuẩn, quy định, tiến độ, quản trị dự án BĐS; thủ tục pháp lý rõ ràng, minh bạch nên chúng ta cần mở rộng, áp dụng các giải pháp thu hút nguồn lực này thông qua việc: Công khai quỹ đất, có chính sách hỗ trợ trực tiếp, một cửa về thủ tục đầu tư, pháp lý; sửa đổi kịp thời các chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với đặc thù, quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối với các dự án...”, ông Châu cho hay.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài để theo kịp những biến động của kinh tế toàn cầu, và sự thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới; chuẩn bị sẵn sàng điều kiện nhằm thu hút đầu tư như: rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch và sớm có các nghị định hướng dẫn thực thi hiệu quả các Luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới được thông qua.
“Chính phủ cũng nên nhanh chóng đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chi tiết vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của đối tượng tham gia việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ, sớm chấm dứt tình trạng hồ sơ, văn bản của doanh nghiệp nước ngoài bị “om”,“đùn đẩy”, gây mất thời gian, tốn nhiều chi phí cho doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Ông Chu Chee Kwang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, đồng thời cũng là một chuyên gia phát triển BĐS với hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển các khu đô thị quy mô lớn tại Malaysia cho biết: “Hành trình mời gọi vốn đầu tư FDI vào BĐS không đơn giản, ví như dự án Waterpoint đã trải qua quá trình chuẩn bị vô cùng kỹ, lên đến gần 15 năm từ việc đền bù, giải phóng mặt bằng để sở hữu quỹ đất sạch, đến việc nghiên cứu phát triển, thiết kế, quy hoạch… theo quy chuẩn quốc tế, nhưng lại mang tính phát triển bền vững, tính đến các giải pháp bảo toàn thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái vùng với toàn bộ diện tích mặt nước và hành lang cây cỏ tự nhiên rộng 50m dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông. Để thu hút mạnh dòng vốn FDI, mỗi chủ đầu tư đều phải làm việc rất chuyên nghiệp trong đó yếu tố minh mạch tài chính, pháp lý của dự án là quan trọng”.
Ông Nguyễn Phạm Anh Duy, Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam nhận định, BĐS thương mại, đất dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có tầm nhìn dài về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng đầu tư vốn có thể hưởng lợi ngay từ chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua. Dẫu vậy, điểm nghẽn ở đây là các dự án ách tắc pháp lý khiến nhà đầu tư e ngại.
“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư ngoại đang quan sát, nghe ngóng sự chuyển động từ việc thông qua 3 dự án Luật mới tới thực tiễn phát triển dự án. Nếu thực sự chúng ta tuân thủ tốt các quy định của Luật Đất đai mới, định giá đất minh bạch, có nhiều quỹ đất sạch thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ "đổ bộ" vào nhiều phân khúc BĐS trong thời gian tới”, ông Duy chia sẻ.
Còn đại diện khối kinh doanh nhà ở của nhà đầu tư Nhật Nishi Nippon Railroad chia sẻ rằng, pháp lý minh bạch, đất sạch và công khai định giá đang là những tiêu chuẩn để nhà đầu tư Nhật yên tâm rót vốn vào BĐS tại Việt Nam, mà dự án 165ha Waterpoint của Nam Long là một điển hình. Tuy nhiên, trước khi rót vốn, quỹ đầu tư đã khảo sát, thuê dịch vụ định giá và đánh giá tính pháp lý rất kỹ.
Trong bối cảnh thị trường BĐS gặp khó như hiện nay, các nhà đầu tư ngoại chỉ yên tâm tập trung vào các phân khúc chuẩn chỉnh pháp lý. Do đó, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm đưa ra những giải pháp để thu hút nguồn lực FDI bằng cách sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt pháp lý, có thêm nhà đầu tư ngoại, rõ ràng sẽ góp phần giúp thị trường BĐS sớm thoát cơn “bĩ cực”.