CMC của ông Nguyễn Trung Chính muốn làm tổ hợp công nghệ 20ha tại Bắc Ninh

Dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh (CCS Bắc Ninh) sẽ bao gồm các phân khu chức năng về công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; R&D, AI; hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây; đô thị thông minh...

Thông tin này được ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG) cho biết tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn mới đây.

Buổi làm việc giữa CMC và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.  
Buổi làm việc giữa CMC và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.  
Theo giới thiệu, Tập đoàn Công nghệ CMC thành lập năm 1993 và hiện có hơn 4.200 nhân viên. Hoạt động kinh doanh chủ lực của CMC tập trung ở 3 khối, gồm: công nghệ và giải pháp (Technology & Solution); kinh doanh quốc tế (Global Business); dịch vụ viễn thông (Telecommunications) với 8 công ty thành viên, liên doanh, viện nghiên cứu.

Giai đoạn 2021 - 2025, CMC đặt mục tiêu trở thành công ty số toàn cầu với doanh thu 1 tỷ USD và quy mô hơn 10.000 nhân viên.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Chính mong muốn lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh quan tâm, tạo điều kiện để triển khai đầu tư dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh (CCS Bắc Ninh) với quy mô từ 20ha trở lên.

Tổ hợp này sẽ bao gồm các phân khu chức năng như phân khu về công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; phân khu R&D, IC design, AI, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phân khu hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây, AI factory; phân khu giáo dục đào tạo; phân khu đô thị thông minh, nhà ở cho cán bộ nhân viên và chuyên gia… 

Sau khi nghe đề xuất từ phía CMC,Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đồng ý hướng tiếp cận phân khu giáo dục đào tạo là phân khu chính trong tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh giao Sở Xây dựng rà soát lại các quỹ đất giáo dục có quy mô diện tích từ 20ha trở lên để giới thiệu cho CMC lựa chọn đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối làm việc cụ thể với CMC về lĩnh vực chuyển đổi số trên mọi phương diện của tỉnh để phục vụ xây dựng chính quyền số.

CMC làm ăn ra sao?

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 11 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Trung Chính. 

Chủ tịch HĐQT CMC Nguyễn Trung Chính.   
Chủ tịch HĐQT CMC Nguyễn Trung Chính.   
CMC tiền thân là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi Điện tử, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc Gia. Công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin - viễn thông bao gồm các lĩnh vực IT, Telecom và E-Business.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 7 năm ngoái, CMC đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 với mức 10.200 tỷ đồng, tăng 22% so với 2022; thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 (năm niên độ 2023 - 2024, bắt đầu từ 1/4/2023 đến 31/3/2024), CMC đạt doanh thu thuần là 2.116,7 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 153 tỷ trong quý III/2023.

Luỹ kế 9 tháng (từ 1/4/2023 đến 31/12/2023), doanh thu của CMC đạt 5.673 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 330,4 tỷ đồng, tăng 8%.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CMC đạt 7.279 tỷ đồng. Nợ phải trả của CMC là 4.005 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn và khoản phải trả người bán ngắn hạn.

Năm tài chính 2022, tổng doanh thu thuần hợp nhất của CMC đạt 7.663 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8% so với cùng kì và đạt 96,5% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 402 tỷ đồng; tăng trưởng 9% so với cùng kỳ và đạt 109% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về CMC đạt trên 355 tỷ đồng, tương đương 111% kế hoạch năm và tăng trưởng 12% so với năm 2021.

Ngọc Lưu

Theo VietnamFinance