Tập đoàn Tân Tạo (ITA) "mất trắng" 1.655 tỷ đồng?
Trong quý II/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) ghi nhận lãi ròng đạt 134 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhưng doanh nghiệp này lại ghi nhận giảm tới 1.655 tỷ đồng trong khoản đầu tư vào đơn vị khác.
Trong tháng 6, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) do nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, vướng lùm xùm buộc công bố phá sản vì liên quan đến khoản nợ không trả trị giá 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, Tập đoàn Tân Tạo đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận tăng đột biến. Dù vậy, mức lãi mà Tập đoàn thu được vẫn rất khiêm tốn so với quy mô vốn 11.000 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm 2021 đạt 309.6 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn hết 163 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 146,6 tỷ đồng, tăng 104%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng mạnh từ 762 triệu đồng lên 10 tỷ đồng. Chi phí quản lý giảm 62% xuống 13,2 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính và chi phí bán hàng không đáng kể. Những kết quả trên giúp ITA ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 144,7 tỷ đồng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ.
Cộng với các khoản thu nhập khác và chi phí khác, doanh nghiệp của nữ đại gia sinh năm 1959 người Hải Phòng ghi nhận lãi trước thuế đạt 144 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 118 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của ITA tăng 18% đạt 380.6 tỷ đồng và lãi ròng tăng 75% đạt 132 tỷ đồng. Giải trình về kết quả kinh doanh tăng đột biến này, doanh nghiệp của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến cho biết lợi nhuận nửa đầu năm tăng chủ yếu nhờ doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tăng.
Báo cáo tài chính của ITA cũng cho biết khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 1.940 tỷ đồng lên 3.946 tỷ đồng, tức tăng thêm 2.005 tỷ đồng; chủ yếu tăng trong phải thu ngắn hạn khác (gấp 2,3 lần đầu năm lên 3.388 tỷ đồng). Riêng chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas – Chủ tịch HĐQT để tham gia vào dự án tại Hoa Kỳ là 1.937 tỷ đồng, chiếm 56% khoản phải thu ngắn hạn khác và tăng mạnh so với mức 63 tỷ đồng cuối quý 1.
Cùng với đó, ITA cũng ghi nhận giảm 1.655 tỷ đồng trong khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác khi ghi nhận giảm từ 3.162 tỷ đồng đầu năm xuống 1.501 tỷ đồng tính đến cuối quý 2.
Theo báo cáo tài chính của ITA, nguyên nhân là khoản đầu tư vào Công ty cổ phần phát triển năng lượng Tân Tạo ghi nhận giảm giá trị từ 1.752 tỷ đồng xuống 97,7 tỷ đồng (tương đương giảm 1.655 tỷ đồng), song tỷ lệ sở hữu của ITA không đổi 19%.
Trước đó, vào năm 2008, Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC, thành viên của ITA) được giao làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương. Dự án có quy mô 4.400 - 5.200 MW, tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD.
Tuy vậy, sau nhiều năm kể từ khi được chấp thuận nguyên tắc đến nay, Dự án vẫn trong cảnh “đắp chiếu”. Tháng 3/2016, Dự án không được đưa vào danh sách phê duyệt các dự án điện theo Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Thậm chí, sau đó, tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư dự án này.
Trong báo cáo soát xét năm 2021, đơn vị kiểm toán của ITA là Ernst&Young Việt Nam đã nêu ý kiến nhấn mạnh về khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Tân Tạo (TDEC) và Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2) với giá trị lần lượt 1.752,7 tỷ đồng và 417,7 tỷ đồng, cùng khoản phải thu 1.412,7 tỷ đồng với TEDC, TEC2 và TEC là các phát sinh liên quan đến quy trình phát triển Dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Tổng giá trị các khoản mục này lên đến gần 3.583 tỷ đồng, tương đương hơn 1/4 tổng tài sản của ITA đến ngày 30/6/2021.
Theo tìm hiểu, công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo được thành lập năm 1996. Năm 2006, Tân Tạo đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và là khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn Tân Tạo bao gồm: đầu tư, phát triển, xây dựng, khai thác thương mại các khu công nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, hệ thống cảng biển và cảng sông, kho hải quan, vận chuyển hàng hóa, xúc tiến thương mại.
Gần đây, ITA của nữ Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến cũng vướng phải lùm xùm về cáo buộc phá sản sau 4 năm được lan truyền trên các phương tiện truyền thông vì liên quan đến khoản nợ không trả trị giá 20 tỷ đồng. Về vấn đề này, bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) đã có đơn kêu cứu gửi đến các lãnh đạo cấp Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết vụ việc.
Theo bà Yến, ITA có tổng tài sản gần 13.300 tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty lớn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam. Khoản tiền bị Công ty Quốc Linh ký buộc trả nợ chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản. Việc buộc ITA phải công bố phá sản là vô lý.
Được biết, Cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến là một trong những cổ phiếu sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhờ ITA, bà Đặng Thị Hoàng Yến có thời gian dài đứng ở vị trí cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, ITA “tuột dốc”, cổ phiếu ITA “ngụp lặn” ở mức thấp hơn mệnh giá rất nhiều.