Tập đoàn Vingroup: Không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool

Đại diện tập đoàn Vingroup cho biết, không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool như 1 số nguồn tin nước ngoài đưa ra.

Nguồn tin từ tập đoàn Vingroup khẳng định, Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup và chúng tôi vẫn cam kết phát triển hệ thống này trở nên tốt đẹp, toàn diện hơn.

Tập đoàn Vingroup: Không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool - Ảnh 1

"Với Vinmec, chúng tôi vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để phát triển và nâng tầm Vinmec lên tầm đẳng cấp quốc tế. Với Vinschool, chúng tôi không có kế hoạch mở rộng quốc tế nên không có kế hoạch hợp tác nào", nguồn tin từ lãnh đạo tập đoàn tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cho hay.

Trả lời báo chí ông Vượng nói rằng, chuyển hướng sang công nghệ không phải là buông bỏ những thứ khác. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn, chúng tôi đã công bố rõ chiến lược 10 năm tới thì công nghệ sẽ là số 1, công nghiệp là số 2 và thương mại dịch vụ là số 3. Nhưng thương mại dịch vụ là số 3 không có nghĩa là teo dần đi, mà nó ngược lại phải lớn hơn bây giờ nhiều.

Hơn nữa, thương mại dịch vụ bây giờ vẫn đang là nhất vì nó là nguồn tiền để nuôi tất cả các ý tưởng, các dự án mới nên không thể buông ra được. Buông ra bây giờ thì lấy ai nuôi vì trong thời gian đầu ôtô phải bù lỗ, rồi điện thoại thông minh cũng bù lỗ...

Nhưng một khi công nghệ, công nghiệp phát triển rồi thì mình có thể góp phần đổi đời cho rất nhiều người. Ví dụ như người nghèo bây giờ một tháng thu nhập của họ không đáng kể, nhưng nếu họ trở thành những công nhân công nghệ bình thường thôi, lương của họ cũng sẽ cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, ta chỉ làm được điều đó khi ta có được một hệ sinh thái về công nghệ, tức là phải có những viện nghiên cứu những công nghệ lõi về AI, Big data..., phải có những công ty sản xuất phần mềm, rồi có những nhà thầu phụ của họ... Sau này dần dần lại phát triển thêm ra những nhánh khác nữa.

Thông tin từ Vingroup cho biết, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 của doanh nghiệp đạt 38.576 tỷ đồng, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ, và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động sản xuất tăng mạnh đã bù đắp một phần cho sự suy giảm. Nếu loại doanh thu lĩnh vực bán lẻ trong nửa đầu năm 2019 và giả định giao dịch bán buôn được ghi nhận vào doanh thu thuần để so sánh tương đương, thì doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6.085 tỷ đồng, giảm 11,0% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.354 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 429.573 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 123.664 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,4% và 2,6% so với cuối năm 2019.

Doanh thu chuyển nhượng bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 23.461 tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Với giả định giao dịch bán buôn được ghi nhận vào doanh thu thay vì thu nhập tài chính, doanh thu chuyển nhượng bất động sản trong kỳ đạt 34.439 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3.156 tỷ đồng, giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước, do các gói hỗ trợ giảm tiền thuê cho khách thuê gặp khó khăn.

Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.611 tỷ đồng, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ đạt 6.159 tỷ đồng, tăng 184,5% so với cùng kỳ năm trước do trong năm 2019, doanh thu bán ô tô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6.

Trong quý II, Vinhomes đẩy nhanh tiến độ và ra mắt sớm website bán hàng trực tuyến Vinhomes online vào ngày 9/4/2020 giúp giảm bớt tác động từ các lệnh giãn cách xã hội do các giao dịch có thể được tiến hành qua website thay vì phải gặp mặt trực tiếp. Doanh số quý II ghi nhận tốc độ phục hồi tốt so với quý I.

Vincom Retail tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường với 79 trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động tại 43 tỉnh thành, tổng diện tích sàn bán lẻ gần 1,6 triệu m2. Ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, các TTTM đã nhanh chóng đông khách trở lại. Tính riêng tháng 6, số lượt khách đến các TTTM của Vincom Retail tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đạt mức 75 – 95% số lượt khách tháng 1 – thời điểm trước khi có lệnh giãn cách xã hội.

Tính đến 1/7, Vinpearl đã mở cửa lại 28/33 cơ sở khách sạn và toàn bộ các cơ sở vui chơi giải trí. Nhờ triển khai chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Yêu du lịch, yêu Vinpearl” thông qua nhiều gói du lịch hấp dẫn cùng với việc khai trương VinWonders Phú Quốc – công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, Vinpearl đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ về số lượt khách. Số đêm phòng bán trong tháng 6 đã tăng gần gấp đôi so với tháng 5.

Trong lĩnh vực sản xuất, VinFast tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn trong tháng 5 và tháng 6 như “Đổi cũ lấy mới”, “Siêu ưu đãi tháng 5” hay “Trước bạ 0 đồng”. Qua đó, VinFast đạt được thành công đáng kể về mặt doanh số khi VinFast Fadil và Lux A2.0 lọt vào top 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng và lần lượt chiếm vị trí số một trong phân khúc xe hạng A và xe hạng sang. VinFast cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối và bảo hành, bảo dưỡng với tổng cộng 42 showroom/xưởng dịch vụ và 22 đại lý ủy quyền cho ô tô và 42 showroom/xưởng dịch vụ và 49 đại lý ủy quyền cho xe máy điện.

VinSmart tiếp tục giữ vững thị phần thuộc top 3 thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất trong quý II. VinSmart cũng đã cho ra mắt thêm một mẫu điện thoại phổ thông Star 4 và phát triển thành công mẫu điện thoại Vsmart Aris 5G, trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G

PV

Theo Sở hữu trí tuệ