Tây Ninh xây 3 cầu kết nối với TP. HCM và Đồng Tháp, tổng mức đầu tư gần 4.800 tỷ

Tỉnh Tây Ninh chuẩn bị xây dựng 3 cây cầu kết nối TP. HCM – Tây Ninh – Đồng Tháp với tổng mức đầu tư hơn 4.797 tỷ đồng.

Tỉnh Tây Ninh tăng cường kết nối với TP. HCM và Đồng Tháp (ảnh minh họa)
Tỉnh Tây Ninh tăng cường kết nối với TP. HCM và Đồng Tháp (ảnh minh họa)

Tỉnh Tây Ninh xây 3 cây cầu hơn 4.797 tỷ đồng

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Long An, tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng 3 cây cầu thuộc dự án đường Tỉnh 827E kết nối TP. HCM – Tây Ninh – Đồng Tháp, gồm: cầu Cần Giuộc, cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây.

Tổng mức đầu tư dự án này hơn 4.797 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA Hàn Quốc tương đương 4.060 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 736 tỷ đồng. Cả 3 cây cầu này dự kiến đến năm 2026 sẽ khởi công xây dựng.

Phần đường dẫn 2 đầu cầu của 3 cây cầu này được tách thành một dự án riêng, sử dụng vốn ngân sách địa phương nên tỉnh Tây Ninh sẽ chủ động thực hiện các công việc trước. Theo đó, dự án có tổng chiều dài gần 11km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.433 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Long An đang hoàn tất hồ sơ, tổ chức lựa chọn nhà thầu và dự kiến ngày 19/8 tới sẽ khởi công.

Ngày 13/7, UBND xã Tân Trụ phối hợp chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất khu vực Bến Lức triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần đất bị thu hồi để xây dựng đường dẫn vào 3 cây cầu này.

Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho cả hai xã ước tính khoảng 590 tỷ đồng; trong đó xã Tân Trụ khoảng 200 tỷ đồng và xã Vàm Cỏ khoảng 390 tỷ đồng.

Dự án tuyến đường Tỉnh 827E là công trình trọng điểm của tỉnh Tây Ninh với chiều dài 35,6km. Đây là tuyến đường quan trọng mang tính kết nối vùng cao, đặc biệt kết nối giao thông giữa TP. HCM - Tây Ninh - Đồng Tháp.

Khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm

Trước đó, tại hội nghị ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết hiện khu vực phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, 13 dự án với tổng chiều dài 354km dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Cụ thể, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản của 6 dự án, 7 dự án còn lại do các địa phương đảm trách.

Ngoài ra, 8 dự án khác với tổng chiều dài hơn 294km, sẽ hoàn thành sau năm 2025, trong đó Bộ Xây dựng chủ quản 3 dự án và các địa phương chủ quản 5 dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án, tổng chiều dài 98km, gồm hai dự án thành phần cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và tuyến đường kết nối ra cảng Hòn Khoai. Các dự án này dự kiến khởi công vào ngày 19/8/2025.

Qua đợt kiểm tra trực tiếp ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh ghi nhận các dự án đã có chuyển biến tích cực, đáng chú ý là dự án cầu Rạch Miễu 2 về đích sớm hơn 6 tháng, giúp tiết kiệm gần 50% chi phí - một thành tựu nổi bật của ngành xây dựng.

Riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng có tiến triển rõ rệt, với cam kết của các nhà thầu sẽ hoàn thành vào ngày 19/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ở lĩnh vực đường sắt, Bộ Xây dựng đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ. Dự kiến hồ sơ sẽ được trình Thủ tướng vào tháng 9/2025.

Về hàng không, Cảng hàng không Cà Mau đã được động thổ mở rộng, nâng cấp từ tháng 4/2025. Các hạng mục như đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay và công trình phụ trợ khu bay dự kiến khởi công trong tháng 8/2025.

Trần Lê

Theo Vietnamfinance