TCT Thăng Long: Quý IV/224 lỗ hơn 9 tỷ đồng, biến động dàn lãnh đạo cấp cao

Sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn, Tổng công ty Thăng Long - CTCP chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn và kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2024.

Quý IV thua lỗ hơn 9 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Tổng công ty Thăng Long - CTCP (gọi tắt TCT Thăng Long), công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 460 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao, tăng gần 11% lên hơn 423,4 tỷ đồng; đồng thời lợi nhuận gộp giảm mạnh tới 47%, xuống còn hơn 27,1 tỷ đồng.

Khoản lợi nhuận gộp này không đủ bù đắp các chi phí hoạt động, dẫn đến kết quả là TCT Thăng Long báo lỗ sau thuế hơn 9 tỷ đồng trong quý IV/2024, trái ngược hoàn toàn với khoản lãi hơn 10 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Tính chung cả năm 2024, Tổng Công ty Thăng Long đạt doanh thu thuần 1.664 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Do khoản lỗ của qúy IV, khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 của TCT Thăng Long chỉ hơn 2,2 tỷ đồng, giảm mạnh tới 92,3% so với cùng kỳ năm 2023 (lãi sau thuế hơn 29,1 tỷ đồng).

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ghi nhận âm hơn 7,8 tỷ đồng, trong khi năm 2023 báo lãi hơn 23,6 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự suy giảm đáng kể trong hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Quý IV/224, TCT Thăng Long thua lỗ hơn 9 tỷ đồng  
Quý IV/224, TCT Thăng Long thua lỗ hơn 9 tỷ đồng  

Tại ngày 31/12/2024, tổng cộng tài sản của TCT Thăng Long là hơn 2.750,6 tỷ đồng, giảm hơn 67,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn với hơn 2.432,4 tỷ đồng.

Thời điểm này TCT Thăng Long có hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, hơn 453,1 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 25 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.

Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty ghi nhận hơn 1.069 tỷ đồng, chiếm 39% tổng cộng tài sản. Đáng chú ý, phải thu ngắn hạn của công ty hơn 458,6 tỷ đồng. Trong đó tập trung ở phải thu của khách hàng lĩnh vực xây dựng (hơn 396,9 tỷ đồng), bao gồm : Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (hơn 42,2 tỷ đồng); Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (hơn 35,5 tỷ đồng); phải thu các đối tượng khác hơn 319,2 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của công ty ghi nhận hơn 708,1 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (hơn 701,6 tỷ đồng) và nguyên liệu, vật liệu (hơn 4,1 tỷ đồng).

TCT Thăng Long có tổng nợ vay lên tới 815,5 tỷ đồng.  
TCT Thăng Long có tổng nợ vay lên tới 815,5 tỷ đồng.  

Tính đến cuối quý IV/2024, nợ phải trả của TCT Thăng Long ghi nhận hơn 2.120,6 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở nợ ngắn hạn (hơn 2.099,2 tỷ đồng).

TCT Thăng Long có tổng nợ vay lên tới 815,5 tỷ đồng. Công ty dùng các tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng như: các khoản lợi. thu được từ khai thác giá trị quyền sử dụng đất tại số 72 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội); toàn bộ quyền đòi nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt khác đã hình thành và hình trong tương lai từ các hợp đồng thi công; bảo đảm bằng xe lu, thế chấp căn hộ chung cư; các bất động sản tại Hòa Bình,…

Biến động lớn về sở hữu và nhân sự cấp cao

Trước đó, ngày 26/12/2024, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL), tương ứng tỷ lệ 25,09% vốn, thông qua hình thức đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Kết quả một nhà đầu tư cá nhân ông Phạm Tuấn Vũ trúng đấu giá toàn bộ lô cổ phiếu này với giá 222,6 tỷ đồng, tương đương 21.201 đồng/cổ phiếu.

Ông Phạm Tuấn Vũ sau đó đã báo cáo mua thành công 10,5 triệu cổ phiếu của TCT Thăng Long vào ngày 8/1/2025, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 25,09% và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Đáng chú ý, ông Phạm Tuấn Vũ từng giữ chức Kế toán trưởng của Tổng Công ty Thăng Long từ ngày 24/12/2021 đến 15/09/2022.

Sau khi SCIC thoái toàn bộ vốn, TCT Thăng Long chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn và sự ra đi của hai lãnh đạo chủ chốt. Cụ thể, ông Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1982) đã có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kể từ ngày 4/2. Tiếp đó, ông Ngô Tiến Đạt (sinh năm 1994) từ nhiệm tư cách Thành viên Ban Kiểm soát (BKS) từ ngày 4/2.

Cả hai ông Hiếu và Đạt đều là cán bộ của SCIC, được bầu vào HĐQT và BKS của Tổng công ty Thăng Long tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.

Minh Đức

Theo VietnamFinance