Tên tuổi lớn ngành thép lỗ hàng nghìn tỷ sau 3 năm, hé lộ hai 'nhà băng' đã cấp vốn

Kể từ năm 2022, CTCP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) đã ghi nhận các khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Kể từ năm 2022, CTCP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) đã ghi nhận các khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, Ngân hàng BIDV - chi nhánh TP HCM và Vietinbank - chi nhánh TP HCM đang là 2 ngân hàng có dư nợ cho vay ngắn hạn lớn nhất với Pomina với dư nợ lần lượt là 1.687 tỷ đồng và 2.626 tỷ đồng.

Tên tuổi lớn ngành thép lỗ hàng nghìn tỷ sau 3 năm, hé lộ hai 'nhà băng' đã cấp vốn - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Lỗ hàng nghìn tỷ sau 3 năm

Theo Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2024 vừa công bố, thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần bất ngờ tăng 126%, đạt gần 752 tỷ đồng chủ yếu nhờ bán thép tại nội địa. Tuy nhiên, giá vốn chiếm tới 98,7% (tăng so với con số 93,3% của cùng kỳ), khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn 9,6 tỷ - giảm 57%.

Khoản lợi nhuận gộp này là rất nhỏ và không đủ trang trải chi phí tài chính 146 tỷ đồng (trong đó 172 tỷ là lãi vay). Mặc dù được hoàn nhập 78 tỷ chi phí quản lý doanh nghiệp, Pomina vẫn chưa thể thoát khỏi tình cảnh thua lỗ.

Với 65 tỷ đồng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh và 134 tỷ lỗ từ hoạt động khác, Pomina có quý thua lỗ ròng thứ 11 liên tiếp gần 200 tỷ đồng.

Cả năm 2024, công ty đạt 2.327 tỷ đồng doanh thu thuần – giảm 29% so với năm 2023, lỗ sau thuế 991,5 tỷ đồng và lỗ ròng 990 tỷ đồng (lớn hơn mức lỗ 960 tỷ đồng của năm ngoái).

Tên tuổi lớn ngành thép lỗ hàng nghìn tỷ sau 3 năm, hé lộ hai 'nhà băng' đã cấp vốn - Ảnh 2
Pomina lỗ sau thuế 991,5 tỷ đồng trong năm 2024 (Nguồn: BCTC Hợp nhất quý IV/2024 của POM).

Tuy nhiên trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2024, khoản lỗ lũy kế chưa phân phối trong năm nay được ghi nhận là 1.330 tỷ đồng chứ không chỉ là 991,5 tỷ đồng. Một khoản điều chỉnh lợi nhuận đã ghi nhận thêm số lỗ 338,8 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nhưng không được thuyết minh chi tiết.

Với kết quả của năm 2024, trong vòng 3 năm kể từ năm 2022 doanh nghiệp này lỗ lần lượt: -1.168 tỷ đồng (năm 2022); - 961 tỷ đồng (năm 2023) và – 991 tỷ đồng (năm 2024) qua đó nâng tổng số lỗ 3 năm qua lên hơn 3.000 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM bị huỷ niêm yết trên HoSE từ ngày 10/5/2024 sau 14 năm niêm yết và hiện giờ đang giao dịch trên sàn UPCom với mức giá quanh 2.100 đồng/cổ phiếu.

Chủ nợ lớn nhất

Ban lãnh đạo thép Pomina giải thích rằng tình trạng thua lỗ bắt nguồn từ nhiều yếu tố như nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 vẫn ngưng hoạt động để giảm chi phí, giảm lao động, tiết kiệm điện, nước và vật tư. Dù vậy, công ty vẫn phải gánh lãi vay lớn, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh.

Doanh nghiệp này có tổng nợ phải trả đến cuối năm 2024 là 9.640 tỉ đồng, gần bằng tổng tài sản (9.903 tỉ đồng).

Nợ ngắn hạn của thép Pomina là hơn 5.400 tỉ đồng, trong đó VietinBank chi nhánh TP.HCM là chủ nợ lớn nhất (2.620 tỉ đồng), theo sau là BIDV chi nhánh TP.HCM (1.680 tỉ đồng). Bên cạnh đó, Pomina vay Đại Quang Minh (Thadico, công ty BĐS do Chủ tịch Trần Bá Dương là người đại diện theo pháp luật, thành viên của Thaco Group) 300 tỷ đồng.

Tên tuổi lớn ngành thép lỗ hàng nghìn tỷ sau 3 năm, hé lộ hai 'nhà băng' đã cấp vốn - Ảnh 3
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý IV/2024 của POM.

Ngoài ra, công ty còn có khoản nợ dài hạn gần 719 tỉ đồng, chủ yếu từ khoản vay hơn 680 tỉ đồng cho dự án lò cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu (ký với VietinBank năm 2017).

“Cầu cứu” từ các nhà đầu tư

Để thoát khỏi khó khăn, ngoài việc tái cấu trúc, thép Pomina đặt hy vọng vào sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Hồi tháng 8/2024, công ty này thông báo đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty thép Nansei (Nhật Bản).

Bên cạnh việc hợp tác với Nansei Steel, Thép Pomina cũng cho biết, đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp nhằm khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025. Qua đó, công ty kỳ vọng đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công trong thời gian tới.

Thép Pomina hiện có ba nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng có công suất lớn nhất phía Nam, với tổng công suất luyện phôi thép lên tới 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn.

Tuy nhiên, kể từ quý 3/2022 đến nay, Thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí. Công ty cho biết, với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.

Thép Pomina kỳ vọng việc tái hoạt động sẽ giúp công ty đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản cũng như các hoạt động đầu tư công tại khu vực phía Nam.

Đánh giá về triển vọng ngành thép, một số tổ chức tài chính nhận định, mặc dù có tín hiệu hồi phục từ nửa cuối năm 2023 đến nay, nhưng trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam vẫn có nguy cơ phải đối mặt với nhiều thách thức.

An Nhiên

Theo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam