Tham vọng lớn BĐS khu công nghiệp, Quốc tế Sơn Hà đang có gì trong tay?

Lợi nhuận sụt giảm nặng nề, các khoản thu đều “tắc”, dòng tiền âm, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) vẫn tự tin để lấn sân sang BĐS khu công nghiệp với tham vọng trở thành ngành chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm, sử dụng đòn bẩy nợ cao

BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại SHI cho thấy, trong 3 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 1.787 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2021. Hiện tại, ngành gia dụng dân dụng và công nghiệp là hai mảng đang đóng góp lần lượt 60% và gần 30% quy mô doanh thu.

Do giá vốn chiếm tới 89% doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ thu về hơn 194 tỷ đồng, giảm 9%. Ngoài ra, các khoản chi phí tại SHI chiếm tỷ trọng lớn như chi phí tài chính gần 54 tỷ đồng; chi phí bán hàng hơn 79 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 42 tỷ đồng. Do đó, sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế tại SHI giảm mạnh 49%, chỉ còn hơn 20,6 tỷ đồng.

Tham vọng lớn BĐS khu công nghiệp, Quốc tế Sơn Hà đang có gì trong tay? - Ảnh 1

Lợi nhuận sụt giảm mạnh, SHI còn gặp vấn đề lớn về dòng tiền. Trong 3 tháng đầu năm 2022 dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của SHI âm gần 912 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 131 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh âm là do tồn kho và các khoản phải thu đều tăng mạnh khiến tiền bị “tắc”.

Cụ thể, các khoản phải thu tăng gấp 8,5 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 269 tỷ đồng. Các khoản phải trả cũng hơn 792 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Ngoài ra, hàng tồn kho cũng tăng 77% lên hơn 126 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của trong kỳ cũng âm hơn 127,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 50 tỷ đồng.

Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm mạnh trong kỳ dẫn tới SHI phải tăng cường vay nợ. 3 tháng đầu năm 2022, tiền thu từ đi vay của SHI hơn 1.985 tỷ đồng. Tiền chi nợ gốc vay hơn 1.385 tỷ đồng.

Như vậy, 3 tháng đầu năm, cả lợi nhuận và dòng tiền kinh doanh là một điểm xám khi nhìn vào bức tranh tài chính tại SHI.

Tham vọng lớn BĐS khu công nghiệp, Quốc tế Sơn Hà đang có gì trong tay? - Ảnh 2
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại SHI). 

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 3/2022, tổng tài sản của SHI đạt 6.212 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm, nhưng vẫn có đến 70% tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bởi nợ (hơn 4.335 tỷ đồng). Phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (hơn 2.865 tỷ đồng) và hơn 509 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.Tổng nợ vay ghi nhận hơn 3.375 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ 2 lần.

Hiện tại, BIDV là chủ nợ lớn nhất tại SHI với gần 1.591 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Ngoài ra, ngân hàng MB cũng đang cho vay hơn 185 tỷ đồng; ngân hàng Vietcombank hơn 132 tỷ đồng;… Ngoài ra, tính đến 31/3/2022, nợ vay đến hạn trả tại SHI hơn 46 tỷ đồng (bao gồm vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả).

Vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay của SHI trong kỳ tăng 30% so với cùng kỳ, lên gần 44 tỷ đồng.

Kinh doanh tụt dốc, âm dòng tiền, SHI có gì để làm BĐS công nghiệp?

Tham vọng lớn BĐS khu công nghiệp, Quốc tế Sơn Hà đang có gì trong tay? - Ảnh 3

Sơn Hà bước vào kinh doanh sản phẩm xe máy điện EVGO trong năm 2021 với việc thành lập hàng loạt các EVGO Center, đại lý ủy nhiệm tại nhiều tỉnh phía bắc.

Với mục tiêu đưa ngành nước trở thành ngành mũi nhọn đến năm 2025, Công ty tiếp tục đẩy mạnh hợp tác triển khai các dự án xử lý nước thải áp dụng công nghệ Jokaso Nhật Bản và GJR Hàn Quốc. Trong năm 2021, Công ty triển khai nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm xử lý nước thải cho từng hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ; triển khai 106 điểm xử lý nước thải  tạo các trường tiểu học, THCS, THPT, các UBND xã tại Hà Nội và các đơn vị công thuộc Nhà nước quản lý; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xử lý nước vào huyện  Mê Linh, Sơn Tây (Hà Nội) và tại tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 2020, Quốc tế Sơn Hà thực hiện tái cấu trúc, một trong những lĩnh vực mới được doanh nghiệp lấn sân sang là bất động sản khu công nghiệp.

Dự án đầu tay của Sơn Hà ở phân khúc bất động sản công nghiệp là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2 huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc hồi tháng 3/2021. Dự án nằm trên diện tích 162,33 ha với tổng vốn  đầu tư của dự án điều chỉnh vào tháng 9/2021 là 1.576 tỷ đồng.

Mặc dù hiện tại kế hoạch kinh doanh của Sơn Hà chưa tính đến mảng kinh doanh này, nhưng Công ty dự kiến có thể ghi nhận doanh thu từ dự án vào quý IV/2022.

Công ty dự kiến hoàn tất giải phóng mặt bằng 50-60% diện tích vào tháng 4-5/2022 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong năm 2022. Bên cạnh đó, Công ty đề xuất với tỉnh khởi công dự án và triển khai hạ tầng sau khi giải phóng mặt bằng 50% (80ha).

Tham vọng lớn BĐS khu công nghiệp, Quốc tế Sơn Hà đang có gì trong tay? - Ảnh 4
Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Tam Dương. Nguồn: Internet

Để có vốn thực hiện dự án này, SHI đã chào bán thành công hơn 50,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tổng giá trị chào bán dự kiến theo mệnh giá 501 tỷ đồng (tỷ lệ thực hiện 2:1) với giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền 501 tỷ đồng.

Theo kế hoạch bán đầu, SHI sẽ dùng 250 tỷ đồng (trong tổng số 501 tỷ đồng nói trên) cộng với trên 444 tỷ đồng vốn vay để đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến tháng 9/2021, SHI đã điều chỉnh lại. Theo đó, SHI chỉ dùng 80 tỷ đồng (trong tổng số 501 tỷ đồng) và vay thêm trên 614 tỷ đồng để đề bù giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán của SHI, trong 7 quý (từ quý IV/2021 đến quý II/2023), SHI sẽ phải trả trên 87 tỷ đồng tiền lãi vay, tương đương mỗi tháng SHI sẽ trả gần 5 tỷ đồng lãi vay cho việc phát triển dự án dự án khu công nghiệp Tam Dương I.

Theo báo cáo tài chính vài năm trở lại đây, dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư tại SHI liên tục âm.

Năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 210 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 92 tỷ đồng. Đến năm 2020, dòng tiền kinh doanh dương trở lại, ghi nhận gần 253 tỷ đồng nhưng dòng tiền đầu tư vẫn âm tiếp gần 139 tỷ đồng. Năm 2021, cả dòng tiền kinh doanh và đầu tư tại SHI âm hơn gần 442 tỷ đồng.

Tham vọng lớn BĐS khu công nghiệp, Quốc tế Sơn Hà đang có gì trong tay? - Ảnh 5

Có thể thấy, SHI đang gặp vấn đề lớn về dòng tiền hạn chế cộng với kinh doanh không mấy khởi sắc. Đây là những rào cản lớn khiến tham vọng lấn sân sang lĩnh vực BĐS khu công nghiệp của SHI gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, SHI vẫn chưa có doanh thu từ mảng này dù đã xác định trong 5 năm tới sẽ đưa bất động sản công nghiệp trở thành ngành chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT cho biết, Sơn Hà không quá tham lam để ảnh hưởng đến dòng tiền hay vượt quá khả năng quản trị của Công ty, đồng thời, tin tưởng sẽ tiêu thụ hết quỹ đất có được. Tại dự án Tam Dương 1, cơ cấu sử dụng vốn gồm 30% vốn tự có như thông lệ. Còn về vốn vay, hiện Công ty đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, nên không còn phải lo lắng về vốn.

Năm 2022, Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 30%, lợi nhuận tăng trưởng 15% so với năm 2021; tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 300 người, tăng số lượng lao động lên hơn 3.000 người. Cổ tức dự kiến tăng trở lại mức 10%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ