Thắng vụ 3 ngàn tỷ, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiến vào mỏ tỷ USD
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi dấu ấn ở những dự án tỷ USD mới. Sau cú tấn công vào một thị trường 10 tỷ USD, tập đoàn này có bước tiến mới trong lĩnh vực khai khoáng.
CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources) vừa công bố thông tin công ty con (MR sở hữu 100% vốn) - Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo) đã thắng kiện và nhận 130 triệu USD từ một đối tác Australia sau tranh chấp thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị chế biến khoáng sản.
Theo đó, Jacobs E& Australia Pty Ltd (Jacobs), công ty con tại Úc của Jacobs Group đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD (khoảng 3 ngàn tỷ đồng) cho Núi Pháo trong vụ kiện tại trọng tài quốc tế Singapore.
Vụ kiện này liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 phục vụ dự án Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Dây chuyền chế biến này hoàn thành trong năm 2015 và 2016.
Jacobs bồi thường 130 triệu USD cho Núi Pháo.
Tuy nhiên, do có tranh chấp, Núi Pháo đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore từ cuối tháng 9/2015.
Theo Masan Resources, một hội đồng trọng tài gồm 3 trọng tài viên do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định đã đưa ra phán quyết chung thẩm từng phần, theo đó chấp thuận khoản bồi thường cho Núi Pháo phát sinh từ hành vi của Jacobs.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng xem xét các yêu cầu về tiền lãi phát sinh và chi phí tố tụng trọng tài.
Như một phần của thỏa thuận dàn xếp, Núi Pháo chấm dứt vô điều kiện việc thực hiện các quyền theo Phán quyết chung thẩm từng phần cùng tất cả các yêu cầu và hành động liên quan đến vụ kiện tại trọng tài quốc tế.
Như vậy, sau những khó khăn, Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang tiếp tục ghi dấu ấn ở những dự án tỷ USD mới.
Núi Pháo là một trong những mỏ khai khoáng lớn nhất Việt Nam với trữ lượng khoảng 66 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng trên diện tích 720 ha. Masan đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào dự án này.
Masan và các doanh nghiệp con của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang gần đây dồn dập nhận dòng tiền lớn trong bối cảnh tập đoàn này đang tấn công vào nhiều lĩnh vực tiềm năng và có quy mô rất lớn, như thực phẩm, khai khoáng…
Nội dung vụ dàn xếp.
Masan vừa có động thái di chuyển dòng tiền, với lượng cổ tức khoảng 630 tỷ đồng mà CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) trả cho Masan Beverage (công ty con của Masan Consumer - MCH) trong bối cảnh tập đoàn này đang tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm có quy mô 10 tỷ USD.
Tập đoàn Masan (MSN) cũng vừa thông báo kế hoạch phát hành trực tiếp trái phiếu kỳ hạn 3 năm (lãi 10%/năm) không chuyển đổi vào 26/9 tới đẻ thu về 1,5 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 4 Việt Nam. Đại gia gốc Quảng Trị kín tiếng nhưng có các sản phẩm hiện diện hàng ngày trong mâm cơm gia đình Việt.
Hồi đầu tháng 3/2019, Tạp chí Forbes 3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, ghi danh ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD Việt mới với tài sản đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.
Theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Ông Quang là tỷ phú tự thân, có 3 con.
Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.
Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN),...
Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 10/9 VN-Index tăng trở lại sau 7 phiên giảm. Một số cổ phiếu lớn tăng điểm gồm: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Hòa Phát, Bảo Việt, Vietcombank, VietJet,...
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo Rồng Việt, vẫn chưa có điểm tích cực nào của chỉ số VN-Index, còn chỉ số VN30 vẫn được hỗ trợ bởi mốc 883. VDS nhận thấy rằng TTCK hiện tại vẫn chưa đi vào ổn định và vẫn đang đi trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Do đó các nhà đầu tư ngắn hạn cần kiên nhẫn đứng ngoài thị trường chờ đợi xu hướng chung của TTCK ổn định để tham gia sau.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/9, VN-Index giảm 0,956 điểm xuống 969,31 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm lên 100,17 điểm và Upcom-Index giảm 0,33 điểm xuống 55,82 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà/ VietNamNet