Thanh Hóa: Khu “đất vàng” cho thuê không đấu giá
Sai phạm đã được kết luận, quyết định thu hồi đã ban hành nhưng chỉ 10 ngày sau lại bị dừng. Ai đang “níu” khu đất vàng giữa lòng Thanh Hóa tiếp tục nằm ngoài vòng pháp luật?
Một khu đất nằm tại vị trí trung tâm thành phố Thanh Hóa, đã được giải phóng mặt bằng từ năm 2013, lại được cho thuê 50 năm không qua đấu giá. Việc này vi phạm trực tiếp quy định của Luật Đất đai, từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận là sai phạm.
Thế nhưng, sau nhiều năm với hàng loạt quyết định hành chính mâu thuẫn, thay vì xử lý dứt điểm, tỉnh này lại bất ngờ chỉ đạo tạm dừng thu hồi đất. Sự bất nhất trong các quyết định không chỉ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thất thoát ngân sách mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai và tài chính công tại địa phương.

Cụ thể, vào ngày 18 tháng 5 năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1635/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dịch vụ thương mại Thủy Hợi cho Công ty Cổ phần Thủy Hợi.
Theo đó, dự án có tổng diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 7.270m², tọa lạc tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa. Quy mô ban đầu bao gồm xây dựng một tòa nhà hợp khối thương mại dịch vụ, văn phòng làm việc cao 09 tầng (diện tích xây dựng khoảng 1.425m²); 02 nhà kho (750m²) và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác. Tổng vốn đầu tư của dự án được phê duyệt là khoảng 39,15 tỷ đồng, từ vốn tự có và các nguồn huy động hợp pháp khác, với thời gian hoạt động là 50 năm. Theo kế hoạch, dự án dự kiến khởi công vào Quý I/2018 và hoàn thành, đi vào hoạt động trong Quý III/2020.
Từ giao đất trái luật đến điều chỉnh mở rộng quy mô
Hơn một năm sau khi chấp thuận chủ trương, vào tháng 9/2018, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành quyết định cho thuê khu đất có diện tích chính xác là 7.270,9 m² trong thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm. Cơ quan thuế được giao nhiệm vụ xác định đơn giá thuê và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, vấn đề pháp lý cốt lõi lại nằm ở chỗ khu đất này vốn đã được nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2013. Theo Khoản 1 Điều 118 của Luật Đất đai năm 2013, đây là loại đất sạch phải được đưa ra đấu giá công khai để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tối ưu hóa nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho doanh nghiệp thuê trực tiếp mà không thông qua đấu giá là một trái quy định, đã được Thanh tra Chính phủ xác định rõ trong kết luận thanh tra.
Điều đáng nói là, thay vì bị đình chỉ để xử lý theo đúng quy định pháp luật, dự án lại được điều chỉnh mở rộng một cách khó hiểu. Vào tháng 3/2023, tỉnh tiếp tục ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. So với phương án ban đầu, nội dung điều chỉnh cho thấy quy mô và tính chất sử dụng đất đã thay đổi đáng kể khi có thêm nhà văn phòng trưng bày, gara sửa chữa ô tô cao hai tầng với diện tích xây dựng mở rộng lên tới 2.000 m², cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác. Trong khi sai phạm pháp lý ban đầu chưa được xử lý, việc cho phép mở rộng đầu tư khiến dư luận không khỏi đặt nhiều dấu hỏi.
Quyết định thu hồi bị “treo” và bài toán ngân sách chưa có lời giảiMãi đến cuối năm 2024, sau hơn sáu năm kể từ ngày ký quyết định giao đất, UBND tỉnh Thanh Hóa mới có động thái sửa sai. Tỉnh này đã ban hành Quyết định số 5272/QĐ-UBND ngày 31/12/2024, bãi bỏ văn bản cho thuê đất trái luật được ban hành từ năm 2018. Đây được coi là bước đi cần thiết để chấn chỉnh sai phạm và khắc phục hậu quả theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, chưa đầy 10 ngày sau, một diễn biến bất ngờ khác lại xảy ra. UBND tỉnh tiếp tục phát hành Công văn số 502/UBND-NN ngày 10/01/2025, chỉ đạo tạm dừng triển khai việc bãi bỏ quyết định cho thuê đất.
Hành động này khiến quyết định thu hồi đất trở thành một văn bản “trên giấy”, không có hiệu lực thi hành thực tế. Dự án tiếp tục tồn tại trên nền tảng của một quyết định giao đất đã được xác định là trái luật. Trên thực tế, nhà đầu tư đã xây dựng một showroom ô tô và đưa vào hoạt động kinh doanh tại khu đất này.

Với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, dư luận quan tâm đến tổng số tiền mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước từ năm 2018 đến nay. Việc so sánh con số này với giá trị tiềm năng nếu khu đất được tổ chức đấu giá theo đúng quy định cũng là một yếu tố đáng được xem xét. Sự chênh lệch giữa hai phương thức này, nếu có, cần được các cơ quan chức năng phân tích kỹ lưỡng nhằm đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và tối ưu hóa nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, vụ việc cũng cho thấy sự cần thiết phải làm rõ hơn nữa quy trình và trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong công tác tham mưu, thẩm định và phê duyệt các quyết định liên quan đến quản lý đất đai.