Thanh khoản cao, VN-Index tăng nhẹ gần 1 điểm

Sau khi leo dốc vào phiên sáng, VN-Index lại suy yếu dần và may mắn giữ lại được sắc xanh. Giá trị thanh khoản trên sàn HoSE tăng tới gần 70% so với phiên liền trước.

Phiên cuối tuần 20/9, dòng tiền đổ xô vào cổ phiếu blue-chips giúp thanh khoản nhóm VN30 tăng khá mạnh và giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE vượt mức 20.000 tỷ đồng, tăng tới gần 70% so với phiên liền trước.

Sau khoảng 80 phút từ lúc mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index vẫn giữ mức tăng tốt quanh vùng giá 1.280 điểm với thanh khoản khá sôi động, phần lớn thời gian duy trì quanh mức tăng 10 điểm. Tập trung chính vào bộ 3 trụ cột bank - chứng - thép, đặc biệt là sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Thanh khoản cao, VN-Index tăng nhẹ gần 1 điểm - Ảnh 1

Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, VN-Index suy yếu dần và thậm chí trong phiên ATC có lúc bảng điện báo giảm tới gần 15 điểm do ảnh hưởng từ việc một số quý ETF tái cơ cấu danh mục, nhưng dần cần bằng để kết phiên tăng nhẹ 0,77 điểm.

Xét về từng nhóm ngành, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, 3 cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là VCB và BID giảm lần lượt 0,98% và 0,41%, còn CTG đứng giá tham chiếu. Ngược lại, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân lại giao dịch hết sức tích cực, với ACB tăng 3,43% cùng hàng loạt mã tăng trên 1% như TCB, VPB, MBB, LPB, STB.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ ngập tràn nhóm này, dẫu vậy, mức giảm không quá mạnh mẽ. Các cổ phiếu giảm trên 1% có thể kể đến như: VIC, VPI, NLG, SIP, DXG, DXS.

Các ngành năng lượng, bán lẻ, chứng khoán, sản xuất diễn biến phân hoá, biến động trong biên độ hẹp.

Đánh giá về thị trường chứng khoán, Giám đốc Chiến lược Thị trường - CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) Trần Hoàng Sơn cho rằng, diễn biến VN-Index trong 3 tuần gần đây yếu, nhất là trong tuần qua, chỉ số đi ngược so với diễn biến chung thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, thanh khoản cũng sụt giảm, hầu hết nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ đều yếu. Vì vậy, kỳ vọng kiếm lợi nhuận tốt trong ngắn hạn T+3, T+5 rất khó.

Xu hướng ngắn hạn, VN-Index đã xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ. Điều này đang chỉ báo nhịp điều chỉnh sắp tới, kết hợp với một số nhiễu động có thể xảy ra trước và sau thời điểm Fed hạ lãi suất. Do vậy, việc “full cash” là chiến thuật đúng để chờ vùng mua tốt hơn, nhịp điều chỉnh sâu sắp tới.

Liên quan đến việc Fed điều chỉnh lãi suất, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS cho rằng, khi Fed hạ lãi suất thì chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt là sau thảm họa bão Yagi. Qua đó, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, dư địa phục hồi tốt hơn.

Ông cũng cho rằng, những doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như bất động sản, sản xuất, xuất khẩu, khi lãi suất hạ làm chi phí vốn giảm xuống giúp biên lợi nhuận lên cao hơn, cổ phiếu các ngành này được hưởng lợi nhiều từ xu hướng Fed giảm lãi suất.

PV

Theo Tài chính doanh nghiệp