Thanh tra 145 dự án trăm tỷ đồng của các bộ, ngành, tập đoàn...
Theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp thanh tra 145 dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên thuộc các bộ, ngành trung ương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng một số dự án địa phương có quy mô trên 1.500 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đang đẩy mạnh kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng đối với hàng trăm dự án đầu tư công có dấu hiệu vướng mắc, chậm tiến độ hoặc tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí trên toàn quốc.
Theo kế hoạch, các nội dung thanh tra sẽ tập trung vào các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực như: chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt dự án; lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng; bố trí vốn, thanh quyết toán; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan.
Ngoài ra, việc đánh giá nguyên nhân tồn đọng, hiệu quả đầu tư thấp và rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó cũng là nội dung trọng tâm.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra 145 dự án tại các bộ: Bộ Tài chính (5 dự án), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (4 dự án), Bộ Xây dựng (8 dự án), Bộ Công Thương (6 dự án), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5 dự án), Bộ Ngoại giao (1 dự án), Bộ Dân tộc và Tôn giáo (1 dự án), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2 dự án), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (1 dự án) cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (12 dự án).
Đối với địa phương, hàng loạt tỉnh, thành như TP. HCM (20 dự án), Khánh Hòa (15 dự án), Hà Tĩnh (4 dự án), Quảng Trị (5 dự án), Đà Nẵng (5 dự án), Quảng Ngãi (3 dự án), Đồng Nai (8 dự án), An Giang (3 dự án), Cần Thơ (4 dự án)... cũng thuộc diện thanh tra trực tiếp.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành thanh tra 3 dự án thuộc lĩnh vực quản lý có dấu hiệu vướng mắc kéo dài.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực tiếp thực hiện thanh tra đối với 750 dự án có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên. Một số địa phương có số lượng lớn gồm TP. HCM (94 dự án), An Giang (92 dự án), Đồng Nai (77 dự án), Khánh Hòa (68 dự án), Thái Nguyên (51 dự án), Ninh Bình (40 dự án), Phú Thọ (37 dự án), Lâm Đồng (30 dự án), Quảng Ngãi (28 dự án), Bắc Ninh (27 dự án), Hà Nội (21 dự án)…
Trong tổng số 898 dự án nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2025, nhóm dự án bất động sản nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 63%, bao gồm các khu đô thị, khu căn hộ và khu dân cư. Các dự án còn lại phân bổ vào nhiều lĩnh vực khác, như hạ tầng giao thông có 120 dự án, khu công nghiệp và logistics 70 dự án, công trình công cộng 55 dự án, trụ sở hành chính 35 dự án, lĩnh vực nông nghiệp và môi trường 30 dự án, và công nghiệp – thương mại 25 dự án.