Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi toàn bộ ‘đất vàng’ 8-12 Lê Duẩn
Theo Thanh tra Chính phủ, bốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng 100% vốn góp tại dự án Lavenue Crown số 8-12 Lê Duẩn thu lợi 200 tỷ đồng. Thanh tra kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về thanh tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn (dự án Lavenue Crown), quận 1, TP.HCM.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách. Đồng thời xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue (bồi thường thiệt hại).
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi đất có thuận lợi là hiện tại dự án chưa triển khai xây dựng mà hiện đang làm bãi giữ xe. Về kinh tế, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm thành phố có giá trên 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn có vị trí tốt (3 mặt tiền) diện tích 4.896m2 sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận việc huỷ bỏ dự án đầu tư sẽ không tránh khỏi việc gây thiệt hại cho nhà đầu tư, phát sinh khó khăn trong việc xác định bồi thường và có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của TP.
Dự án Lavenue Crown có diện tích 4.953m2 thuộc sở hữu nhà nước ban đầu do bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng là: Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty cổ phần Kim khí TP, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TP và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO). Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP là đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này.
Với diện tích lên đến 4.953m2, tọa lạc ngay khu trung tâm TP và bao quanh bởi ba tuyến đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm, mặt còn lại dựa vách tòa nhà Diamond Plaza, đây quả thật là khu đất mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mơ ước.
Đến năm 2010, bốn công ty thuộc Bộ Công Thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) của ông Trần Kim Thành.
Đến tháng 6/2011, UBND TP đã có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại – dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn.
Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433m2), theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng.
Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm.
Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016 vào ngân sách nhà nước; Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lavenue.
Năm 2015, Thanh tra Chính phủ có kết luận số 80 về việc thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM, trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Theo kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Chủ tịch UBND TP.HCM rà soát và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về kết luận thanh tra tại dự án số 8-12 Lê Duẩn. Trong đó có vi phạm về việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định. Bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng 100% phần vốn góp của mình là 50 tỷ đồng cho công ty Kinh Đô để thu lợi 200 tỷ đồng.
Năm 2016, Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết luận số 138. Theo đó, UBND TP. HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn.
Theo báo cáo giải trình của UBND TP.HCM thì Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, việc thu hồi khu đất để đấu giá là rất khó, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trên địa bàn TP.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thời điểm đó cho rằng giải trình của UBND TP.HCM là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tuy nhiên, tại kết luận vừa được công bố ngày 4/5/2018, Thanh tra Chính phủ cho biết: Tại thời điểm 2009 – 2010, UBND TP.HCM đang bàn bạc, cân nhắc chủ trương đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê tại khu đất này. Ngoài 2 công ty Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô muốn đầu tư thì còn có Công ty Sunwah Vietnam Real Estade Limited cũng có văn bản đề nghị được thực hiện dự án.
Như vậy đã có đủ yếu tố để UBND TP chỉ đạo tổ chức thẩm định, đấu giá đất. Tuy nhiên, UBND TP đã không thực hiện như vậy.
Ai là chủ dự án Lavenue Crown?
Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô muốn đầu tư vào dự án Lavenue Crown.
Tuy nhiên, bốn công ty thuộc Bộ Công Thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô của ông Trần Kim Thành.
Tuy nhiên, theo tài liệu của PV Nhadautu.vn, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue là bà Lê Thị Thanh Thúy. Bà Thúy cũng là đại diện pháp luật cho công ty Hoa Tháng Năm.
Theo Thủy Tiên/ Nhadautu.vn