Thấy gì từ việc người Thái thâu tóm thêm DN bao bì?

Nếu trước đây người Thái mang hàng vào cạnh tranh với hàng Việt thì giờ đây, họ sản xuất ngay tại Việt Nam, hàng hóa mang xuất xứ Việt Nam.

Cuộc đấu khó khăn ngày càng khó khăn hơn

Thông tin TCG Solutions Pte.Ltd  (công ty con thuộc Tập đoàn SCG của tỷ phú người Thái Kan Trakulhoon) thâu tóm Công ty CP Bao bì Biên Hòa - doanh nghiệp chuyên làm bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestlé... đang gây chú ý.

Trước khi thâu tóm Bao bì Biên Hòa, Tập đoàn SCG cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để sở hữu nhiều doanh nghiệp Việt khác như Bao bì nhựa Tín Thành, Prime Group (vật liệu xây dựng)...

SGC cũng nắm lượng lớn cổ phần tại nhiều công ty ngành nhựa gia dụng, bao bì như Nhựa và hóa chất TPC Vina, Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Vật liệu nhựa Minh Thái, Vật liệu xây dựng Việt Nam...

Nhìn vào việc thâu tóm một loạt doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ của tập đoàn Thái Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, động thái này cho thấy nhiều vấn đề.

Trước hết, đối với phía doanh nghiệp Việt Nam, dù làm ăn tốt, có tăng trưởng, có khách hàng nhưng khi Việt Nam mở cửa nhiều hơn, đứng trước những yêu cầu mới và cao hơn, nhiều doanh nghiệp tỏ ra hụt hơi, không đủ sức đầu tư để vươn lên theo những yêu cầu mới của thị trường.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại có đủ tiềm lực, đủ kinh nghiệm quản lý, công nghệ, vốn liếng, họ muốn thâu tóm những doanh nghiệp Việt đã có sẵn nền tảng để chỉ cần đưa vốn, công nghệ mới vào lập tức sẽ phát triển tiếp. Đối với những doanh nghiệp như vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua với giá cao.

"Nếu doanh nghiệp Việt không không tiếp tục đầu tư để phát triển theo một tầng nấc mới thì sẽ thua lỗ và mất thị trường, mặc dù quá khứ rất vẻ vang. Nhưng thủ tục vay vốn mở rộng doanh nghiệp, công nghệ, nhân lực không phải dễ dàng. Đang loay hoay mà nhà đầu tư ngoại sẵn sàng mua với giá hời thì tội gì doanh nghiệp Việt không bán", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói và cho rằng đây là vấn đề các nhà quản lý Việt Nam, đặc biệt các bộ, ngành chức năng cần quan tâm.

"Sự hụt hơi của doanh nghiệp trong nước, nếu các bộ, ngành không hỗ trợ thì việc bán hết cho nước ngoài sẽ trở thành hiện tượng ngày càng lan rộng, doanh nghiệp Việt biến thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cảnh báo.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng khẳng định, khi Việt Nam mở cửa hội nhập, doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt, chủ yếu qua hình thức M&A, là câu chuyện tất yếu của thị trường. Các doanh nghiệp nước ngoài không làm sai luật và hợp đồng mua bán, thâu tóm là thỏa thuận của hai bên, không ai áp đặt ai thì Việt Nam không cấm được.

Bên trong một nhà máy của CTCP Bao bì Biên Hòa. Ảnh: SVI  
Bên trong một nhà máy của CTCP Bao bì Biên Hòa. Ảnh: SVI  
 

"Chúng ta hội nhập thì phải tuân thủ luật pháp, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, không thể dùng biện pháp hành chính hay cưỡng ép. Nhưng rõ ràng phải quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng chính sách, để doanh nghiệp thấy được nếu tiếp tục phát triển thì triển vọng thế nào, từ đó họ cố gắng vươn lên. Còn nếu chỉ hô hào suông, sống chết mặc bay thì doanh nghiệp đương nhiên sẽ chọn con đường trước mắt để họ có lợi nhất, nhưng về lâu dài lại khiến họ mất rất nhiều - mất một ngành nghề, một lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp đang làm ăn tốt. Doanh nghiệp Việt cứ dần dần bị thâu tóm, đến lúc nhà đầu tư ngoại lật ngửa ván bài thì chúng ta đã trắng tay", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đối với Thái Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Nam đánh giá trình độ họ cũng ngang Việt Nam nhưng đi trước một vài bước và có tiềm lực mạnh. Rất nhiều tập đoàn Thái Lan mang tính quốc tế, tiếng là Thái Lan nhưng đằng sau đó có là vốn góp khổng lồ của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... mà những nhà đầu tư này luôn sẵn sàng bỏ vốn ra để thâu tóm.

Điều ông Nam lo ngại chính là sự chiếm lĩnh thị trường của người Thái. Người Thái không cần phải đưa hàng của họ vào thị trường Việt Nam để cạnh tranh với hàng Việt như vài năm trước đây mà họ sản xuất ngay tại Việt Nam và hàng họ sản xuất ra mang xuất xứ Việt Nam. Cho nên, cuộc đấu tranh của Việt Nam khó khăn hơn nhiều.

Việt Nam cần thay đổi gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ, thông thường, các nước khi mở cửa thu hút đầu tư bao giờ cũng có chính sách để cho doanh nghiệp nội địa phát triển, mà trường hợp điển hình là Trung Quốc.

Cách đây hơn 30 năm, trình độ của Trung Quốc cũng chỉ như Việt Nam, nhưng rồi họ tiến hành mở cửa, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư là hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Kết quả là, sau hơn 30 năm, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc đã sản xuất được hàng cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc, như ô tô, hàng điện tử... Thậm chí, ở lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc còn có bước tiến nhanh hơn, xa hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác.

Từ trường hợp của Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng chính sách của Việt Nam chưa có được tầm nhìn xa như vậy. Cả một thời gian dài Việt Nam cố gắng thu hút được thật nhiều đầu tư, ưu đãi chồng ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài, trong khi khối doanh nghiệp nội địa lại để tự bơi, mà doanh nghiệp nội địa sức yếu thì càng bơi càng đuối.

"Nguyên nhân chính là do chính sách và con người. Chúng ta nhận thức được và khuyến cáo cảnh giác với sự thâu tóm của doanh nghiệp ngoại, với sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp ngoại với doanh nghiệp nội địa nhưng lại thiếu đi những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nội vươn lên về trình độ quản lý, vốn liếng, công nghệ... Kết quả là không ít ngành để cho doanh nghiệp ngoại "cướp trắng", không ít doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực đang làm ăn được cũng bị doanh nghiệp ngoại nuốt dần, từ ngành thép đến ô tô.

Điều đáng buồn là có một bộ phận cán bộ quen với tư duy  hễ có doanh nghiệp ngoại vào đầu tư là cho. Mà doanh nghiệp ngoại khi đã được cấp phép rồi, họ cứ thế phát triển, rồi lấn át, "bóp chết" doanh nghiệp nội", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Từ đây, vị chuyên gia đề nghị phải sửa từ chính sách, mà đó phải là chính sách lớn, cơ bản, như chính sách sử dụng con người thế nào. Việc phòng chống tham nhũng thay vì xử lý cá nhân, vụ việc cần tìm ra nguyên nhân cơ bản, phải từ chính sách lớn mới thay đổi được.

Thành Luân

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt