Thị trường bất động sản đối mặt với áp lực chuyển đổi số
Chuyển đổi số được đánh giá là xu hướng tất yếu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng triển khai khi công nghệ phức tạp, dữ liệu không đủ lớn và nhận thức của nhiều lãnh đạo còn chậm.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số giờ đây không phải chỉ là một sự lựa chọn, mà đó là điều tất yếu. Doanh nghiệp càng nhanh chóng nắm bắt và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, sẽ càng sớm tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới.
Doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong chuyển đổi số
Tại hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Cục trưởng Cục Quản ký nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, tuy nhiên ở nước ta, BĐS được đánh giá là khá chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ chuyển đổi số.
Ông Hà chia sẻ: “Thị trường BĐS có quan hệ trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ, không chỉ là tác nhân quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, mà còn có tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, người dân tham gia đầu tư BĐS với số vốn đặc biệt lớn.
Chính vì vậy, tài chính BĐS là lĩnh vực cần nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trong thời gian tới. Có thể khẳng định rằng, công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp BĐS vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường BĐS chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững”.
Từ góc độ là một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Tập đoàn Meey Land cũng nhìn nhận, hiện tại các nền tảng công nghệ trên thị trường đã ra đời khá nhiều và giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội, không phân biệt tầng lớp, giai cấp. Tuy nhiên, bất động sản vẫn chưa có những công nghệ như vậy.
Ông Chung cho biết: “Hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đang dần dần đóng cửa và các đơn vị còn lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại, mặc dù quy mô của thị trường là rất lớn. Doanh thu trong giai đoạn đầu đối với các doanh nghiệp công nghệ bất động sản cũng rất ít, rất khó để các doanh nghiệp đủ quay vòng vốn. Vì vậy không có nhiều đơn vị theo đuổi được lĩnh vực này. Nguyên nhân là do có quá nhiều khó khăn liên quan đến con người, công nghệ”.
Ứng dụng còn chậm, chưa tương xứng
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, xu hướng ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực BĐS sẽ gia tăng so với thực tế đang rất thấp hiện nay.
Ông dẫn chứng, trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường gặp khó khăn bởi Covid-19, nhưng hoạt động của thị trường vẫn rất sôi động, thậm chí bùng nổ mạnh hơn giai đoạn trước dịch thông qua các ứng dụng công nghệ. Các hoạt động mở bán, giao dịch online vẫn diễn ra, nhờ có công nghệ đã tăng tính hiệu quả của thị trường. Công nghệ cũng hỗ trợ khảo sát các thông tin từ khách hàng từ nhu cầu đến số vốn của khách hàng để chủ đầu tư có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Ông Đính cho biết, trước đây, để tham gia và tìm hiểu về thị trường BĐS cần phải có cả bộ máy, nhiều con người, nhưng nay sử dụng công nghệ thì chỉ trong tích tắc. Việc nhập dữ liệu giúp dễ dàng thu thập thông tin, tiếp cận khách hàng chuẩn xác. Toàn bộ hệ thống công nghệ sẽ giúp xử lý thông tin, giao dịch, hậu mãi quản lý sau bán hàng… đều có thể ứng dụng công nghệ rất tốt.
Hiện chúng ta đã quan tâm, ứng dụng và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh BĐS, nhưng vẫn chưa tương xứng với ngành nghề khác. Đây là việc chúng ta không thể không theo vì đó là xu hướng tất yếu. Cuộc cách mạng này đã đến giai đoạn bắt buộc phải quan tâm.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, Việt Nam không hề chậm trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế vẫn có một số lĩnh vực chậm áp dụng, trong đó có BĐS mà nguyên nhân trước hết nằm ở nhu cầu chuyển đổi số. Khi nhu cầu chưa cao, thì việc áp dụng, sử dụng chưa lớn và chúng ta đang thiếu một lượng dữ liệu lớn - Big Data. Khi Big Data còn thiếu thì sẽ khó để chuyển đổi số.
Bên cạnh đó là vấn đề an ninh, bảo mật... Nếu bảo mật không tốt, sẽ đem đến nguy hiểm rất lớn cho việc áp dụng công nghệ; vấn đề liên quan đến đầu tư, nhân lực, khi áp dụng chuyển đổi số thì hiệu quả sẽ tăng lên, đồng thời nhân lực sẽ bị đào thải rất nhiều và cuối cùng là vấn đề kết nối công nghệ, chọn lựa công nghệ. Nếu công nghệ không đủ tốt, thì cũng không thực sự hiệu quả, thậm chí là sẽ dẫn tới một loạt những đổ vỡ khác.