Thị trường bất động sản phục hồi nhưng chậm, nhiều dự án cũng đã được “gỡ khó”
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi dù còn chậm và không đồng đều. Dự báo đến cuối năm 2024, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thể hiện rõ nét hơn.
Thị trường đã tích cực hơn
Cách đây 2 năm, ngay từ cuối năm 2022, Batdongsan.com.vn đã đưa ra dự báo thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ đảo chiều vào khoảng quý II đến quý IV/2024. Hiện tại, dữ liệu cho thấy thị trường đã xuất hiện dấu hiệu đảo chiều, mức độ quan tâm đến BĐS có xu hướng tăng. Cụ thể, mức độ quan tâm đối với đất trong quý III/2024 dự kiến tăng 49% so với cùng kỳ 2023, nhà riêng tăng 25%, chung cư tăng 24%, biệt thự tăng 22%.
Tuy nhiên nếu so với quý I/2022, đà phục hồi của các phân khúc mới khoảng 60%, duy nhất chung cư có tăng hơn 17% so với 3 năm trước.
Không chỉ nhu cầu khởi sắc, giá bất động sản cũng đang trên đà tăng. Theo trang Batdongsan, quý III, thị trường đất nền và nhà riêng tại một số tỉnh phía Bắc, nhất là Hưng Yên, Hà Nội xuất hiện làn sóng tăng giá cục bộ. Giá nhà riêng rao bán trung bình từ 173 triệu đồng mỗi m2, tăng 56%; đất nền từ 46 triệu đồng mỗi m2, tăng 42% so với quý I/2021 (thời điểm từng xuất hiện sốt đất cục bộ ở phía Bắc). Riêng Hà Nội, giá đất nền các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Oai tăng từ 53-90%, có tình trạng giá ảo.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng: “Ba bộ Luật sửa đổi liên quan đến BĐS đang được đón nhận tích cực bởi người mua, môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư BĐS. Thị trường BĐS năm 2024 dự kiến sẽ tăng tính minh bạch nhờ những thay đổi về Luật. Nguồn cung nhà ở xã hội cũng có khả năng được cải thiện với chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới”.
Bên cạnh đó, nhiều dự án mở bán mới tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có mức giá khá cao. Trong đó, tại Hà Nội, mức giá trung bình dao động từ 45 triệu đồng/m2 đến 90 triệu đồng/m2. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mức giá trung bình dao động từ 45 triệu đồng/m2 đến 130 triệu đồng/m2.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường BĐS đã và đang có dấu hiệu phục hồi với những trợ lực chính như kinh tế thế giới 2024 đi ngang, dự báo phục hồi nhẹ trong năm 2025; trong khi kinh tế Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 đang tốt hơn năm 2023; lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất toàn cầu giảm; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; tỷ giá dịu dần. Bên cạnh đó, những vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện (nhiều luật liên quan được thông qua và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách... được ban hành).
Theo TS Cấn Văn Lực, thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi dù còn chậm và không đồng đều. Để nắm bắt thời cơ và phát triển trong thời gian tới, doanh nghiệp BĐS còn nhiều việc phải làm.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm; đưa giá BĐS về mức hợp lý hơn; chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn và thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp; chuẩn hóa quy trình, sản phẩm và nhân sự theo các luật mới có hiệu lực.
Nhiều dự án đã được “gỡ vướng”
Tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản và nhà ở quý III/2024 mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong quý III, có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và có 37 dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai, 1 dự án được cấp phép, 4 dự án đã hoàn thành.
Số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội) là 4 dự án. Lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng là 1.611 căn nhà.
UBND TPHCM đánh giá, thị trường bất động sản ở TPHCM đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương trở lại từ đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.
Một số dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và một số dự án cũ được tái khởi động nhờ được tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, trong 9 tháng qua, TPHCM đã có 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó có một dự án nhà ở xã hội), 2 dự án được cấp phép xây dựng, hơn 31.000 căn hộ thương mại đang xây dựng.
Trong báo cáo, UBND TPHCM cho biết, từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của TPHCM đã triển khai 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc.
Trong đó, 8/30 dự án đã được giải quyết hoàn toàn, 22/30 dự án có vướng mắc đang được các sở, ban ngành, TP Thủ Đức tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định. Đối với các dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc, UBND TPHCM tiếp tục giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Tổ phó Tổ công tác, chủ trì giải quyết, tổng hợp đề xuất giải quyết định kỳ hàng quý đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TPHCM và nhóm dự án do Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, các dự án đầu tư khác trên địa bàn do các sở, ngành báo cáo đề xuất.
UBND TPHCM tiếp tục chủ trì, giao các sở, ban ngành đẩy mạnh rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
Đồng thời, TPHCM rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng; xử lý các bất cập, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư trên địa bàn.