Thị trường chứng khoán 'sale-off', phái sinh đảo chiều ngoạn mục
Một đợt “sale-off” lớn vừa diễn ra trên thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index mất gần 70 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy đã kịp thời nhập cuộc, đưa cả VN-Index và VN30F1M bật dậy.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.197 điểm, giảm gần 10 điểm so với tham chiếu. Dù đóng cửa dưới ngưỡng tâm lý 1.200, nhưng thị trường đã cho thấy dấu hiệu hồi phục tích cực nhờ lực cầu bắt đáy mạnh mẽ trong nửa cuối phiên chiều.
Biến động dữ dội nhất diễn ra vào giữa phiên chiều, khi chỉ số VN-Index bất ngờ lao dốc, có thời điểm rơi tự do gần 70 điểm, lùi sâu về sát mốc 1.137 điểm. Áp bán tháo lan rộng khiến hàng trăm mã đồng loạt giảm sàn trên sàn HoSE.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã kịp thời xuất hiện, giúp nhiều cổ phiếu thoát sàn và hồi phục đáng kể. Nhiều mã lấy lại được mức giá tham chiếu, thậm chí đảo chiều tăng nhẹ, góp phần thu hẹp đáng kể mức giảm của chỉ số chung. Diễn biến này cho thấy dòng tiền vẫn hiện diện trong thị trường, sẵn sàng nhập cuộc khi giá rơi về vùng hấp dẫn.
Trên thị trường phái sinh, chỉ số VN30F1M thậm chí còn rung lắc mạnh hơn với biên độ dao động lên tới gần 90 điểm. Mức thấp nhất của VN30F1M là 1.214 điểm, trong khi mức cao nhất đạt 1.298 điểm. Chốt phiên, chỉ số này dừng tại 1.292 điểm, tăng 1 điểm so với tham chiếu.
Tại rổ VN30, các cổ phiếu STB, VRE và LPB gây chú ý khi bật tăng mạnh từ mức giá sàn và đóng cửa trong sắc xanh. Cổ phiếu SHB cũng ghi nhận sự hồi phục đáng kể trong phiên nhưng vẫn đóng cửa tại mức tham chiếu. Đáng chú ý là thanh khoản vọt lên hơn 220 triệu đơn vị – mức cao kỷ lục, biến mã này trở thành tâm điểm của dòng tiền trong ngày.

Trong khi đó, một cổ phiếu đầu ngành như VHM và MWG đóng vai trò như "mỏ neo" của chỉ số khi tăng từ 2% đến 4%.
Ở chiều ngược lại, nhóm BCM, GVR, VIC gây thất vọng khi giảm sâu từ 4% đến 6%, kéo theo áp lực điều chỉnh ở phần còn lại của rổ VN30.
Nhóm ngân hàng tiếp tục thể hiện sự phân hóa rõ rệt: SSB, MBB, VCB tăng nhẹ dưới 1%, trong khi CTG, BID, VPB, HDB và TPB giảm quanh mức 1%, cho thấy dòng tiền vẫn mang tính thăm dò và dè chừng.
Nhóm chứng khoán cũng không nằm ngoài vòng xoáy biến động. Dù có nỗ lực hồi phục, nhưng phần lớn cổ phiếu trong ngành vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. SBS giữ vững sắc tím từ phiên sáng, APG tăng hơn 3%, trong khi các mã lớn như SSI, VND, VIX, CTS, BVS và VDS đồng loạt giảm từ 2% đến 6%, cho thấy đà phục hồi chưa đủ mạnh để đảo chiều xu hướng ngắn hạn.
Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, dòng tiền vẫn tỏ ra thờ ơ khi phần lớn các mã chìm trong sắc đỏ, thậm chí giảm sâu. Các cổ phiếu như SZC, PHR, SIP và VGC đều giảm hết biên độ với lượng dư bán lớn và gần như trắng bên mua. Trong khi đó, các mã như KBC, IDC, TIP tiếp tục mất từ 2% đến 4% so với tham chiếu, phản ánh tâm lý bi quan vẫn bao trùm nhóm ngành này.
Tương tự, bất động sản dân cư chứng kiến làn sóng bán tháo lan rộng. DIG, PDR, NHA nằm sàn với thanh khoản cao, cho thấy sức ép chốt lời và cắt lỗ tăng vọt. Những mã khác như DXG, TCH, CEO, NLG cũng giảm sâu từ 2% đến 4%, cho thấy niềm tin vào nhóm ngành này tiếp tục lung lay.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại bất ngờ đóng vai trò "cứu cánh" tại một số thời điểm. Khối ngoại tích cực gom các mã bluechip như HPG (+213 tỷ đồng), MWG (+183 tỷ đồng), STB (+170 tỷ đồng)... góp phần nâng đỡ tâm lý chung. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán mạnh một số mã như FPT (-123 tỷ đồng), KBC (-104 tỷ đồng),...

Mặc dù đã “rút chân” ấn tượng vào cuối phiên, VN-Index vẫn đóng cửa dưới ngưỡng 1.200 điểm, trùng với vùng hỗ trợ kỹ thuật MA10. Trước đó, nhiều công ty chứng khoán từng cảnh báo khả năng rung lắc quanh mốc này, tuy nhiên diễn biến hôm nay vượt xa hầu hết các kịch bản dự báo, khi chỉ số có lúc mất tới 70 điểm. Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro, giữ tâm lý tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định giải ngân.