Thị trường chứng khoán sẽ sớm tìm được điểm cân bằng
Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giảm kỷ lục sau ca nhiễm Covid-19 mới sáng 28/1. UBCKNN tin tưởng thị trường sẽ sớm tìm được điểm cân bằng.
Ngày 29/1, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm rất mạnh ngày 28/1/2021 là do sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Theo đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, kể từ khi thị trường trải qua một thời gian tăng điểm dài và mạnh, nhất là khi thị trường tiếp cận vùng đỉnh lịch sự quanh 1.200 điểm. Trên thế giới, các thị trường tài chính quốc tế cũng chung diễn biến tiêu cực.
Thay vì sắc đỏ thì thị trường lại nhuộm một màu xanh da trời, đánh dấu phiên giảm kỷ lục |
Tuy nhiên, thông tin về số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương,… đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Chính luồng thông tin này đã khiến thị trường gia tăng nhanh chóng áp lực bán tháo, làm hàng loạt cổ phiếu giảm sàn “vô điều kiện”.
Ngoài ra, những tin đồn không chính xác về số ca lây nhiễm và diễn biến dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư, khiến thị trường thêm phần hoang mang và bán ra bằng mọi giá.
Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, đại diện UBCKNN cho rằng, thị trường chứng khoán có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn.
Tuy nhiên, UBCKNN cũng nhận định các yếu tố nền tảng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã khác so với gian đoạn dịch mới bắt đầu bùng phát cuối quý I/2020, vì thế, tâm lý nhà đầu tư sẽ bình ổn, thị trường sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong ngắn hạn và phục hồi.
Về dài hạn, chứng khoán Việt Nam được đánh giá tích cực. Kinh tế tăng trưởng dương là một điểm sáng, các yếu tố khác như lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm, dự trữ ngoại hối cao, tỷ giá ổn định đều đang tạo ra nền tảng hỗ trợ thị trường. Cùng với đó, nhiều nhóm ngành chịu tác động lớn vì dịch, nhưng nhìn chung sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết vẫn cho thấy sự khả quan.
Ghi nhận trước đó cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/1, chỉ số VN - Index giảm 73,23 điểm, tương ứng 6,67% xuống 1.023,94 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất lịch sử giao dịch. Toàn sàn có tới 478 mã giảm giá; trong đó, có tới 276 mã giảm sàn. Chỉ có 20 mã ở chiều tăng giá và 12 mã đứng ở mốc tham chiếu.
HNX - Index giảm 17,74 điểm, tương ứng 8,03% xuống 203,05 điểm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất lịch sử của chỉ số này. Toàn sàn có 214 mã giảm giá; trong đó, có 131 mã giảm xuống giá sàn. Chỉ có 29 mã tăng giá và 17 mã đứng ở mốc tham chiếu.
Chỉ số UPCoM - Index cũng có mức giảm điểm lịch sử khi giảm 5,34 điểm, tương ứng mức 7,17% xuống 69,12 điểm. Toàn sàn có 253 mã giảm giá; trong đó có 100 mã giảm sàn. Trong khi đó, chỉ có 51 mã tăng giá và 22 mã có giá không thay đổi.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã giảm; trong đó có 28 mã giảm xuống giá sàn và chỉ còn duy nhất một mã tăng giá là EIB, khi tăng tới 2,3%.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn 2 mã tăng giá là KLB và EIB. Tất cả các mã còn lại đều ở chiều giảm giá và hầu hết là giảm xuống giá sàn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chung một tình trạng khi đồng loạt giảm sàn. Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhuộm một màu xanh da trời. Đến cuối phiên giao dịch, lệnh dư bán sàn vẫn chồng chất.
Việc khối ngoại mua ròng mạnh trong phiên giảm điểm lịch sử là điểm sáng duy nhất của thị trường. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 482 tỷ đồng trên HOSE, 26,94 tỷ đồng trên HNX và 53,12 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.