Thị trường khó khăn, doanh nghiệp xây dựng hoàn thành kế hoạch năm ra sao?
Đầu năm 2022, tại Đại hội đồng cổ đông các doanh nghiệp xây dựng đặt mục tiêu kế hoạch năm 2022 đầy tham vọng. Nhưng, thị trường chứng kiến nhiều điều kiện bất lợi khiến công việc sản xuất kinh doanh của đại đa số doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là nhóm ngành xây dựng – nhóm có liên quan mật thiết với nhóm ngành bất động sản. Kết thúc 3 quý đầu năm, các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được một nửa kế hoạch đề ra.
Vào thời điểm đầu năm 2022, nhiều đơn vị nghiên cứu đã đưa ra dự báo tích cực về thị trường nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có nhiều triển vọng tích cực trong năm. Tuy nhiên, thực tế thị trường suốt 11 tháng vừa qua chứng kiến nhiều thay đổi và biến động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên cả nước.
Trong đó phải kể đến nguồn vốn, đặc biệt là động thái siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; hoạt động thanh kiểm tra, thanh lọc thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán khiến nhiều ông lớn trong ngành “ngã ngựa” như Tân Hoàng Minh, FLC hay Vạn Thịnh Phát,…
Tiếp đến là những vướng mắc về pháp lý dự án khiến nhiều Chủ đầu tư buộc phải dừng thi công chờ đợi luật mới được ban hành. Cùng nhiều yếu tố khách quan khác khiến thị trường nói chung gặp nhiều khó khăn.
Những con số tham vọng của doanh nghiệp
Với triển vọng lạc quan của ngành bất động sản, ngành xây dựng cũng được hưởng lợi đáng kể. Sau mùa đại hội cổ đông hồi tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đưa ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng.
Hai doanh nghiệp lớn nhất ngành là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) và Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) đều đặt mục tiêu doanh thu trên 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Hòa Bình đặt mục tiêu 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 54,1%; lợi nhuận sau thuế cán mốc 350 tỷ đồng, tăng 261% so với năm 2021.
Còn đối với Coteccons mặc dù đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi nhưng con số mà Coteccons nhắm tới ở mức 20 tỷ đồng, tổng doanh thu là 15.010 tỷ đồng, tăng tới 165%.
Hay tại Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) cũng đặt ra mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, gấp 3 lần so với con số của năm 2021. Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán: HTN) đặt ra mục tiêu 7.458 tỷ đồng doanh thu (tăng 21%) và 265 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm nay. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (L18) cũng đặt mục tiêu 2.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 70.4 tỷ đồng.
Còn tại Công ty Cổ phần DIC số 4 (DC4) đặt mục tiêu doanh thu đạt 800 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 65 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp xây dựng dù không niêm yết cổ phiếu trên sàn là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons cũng đặt mục tiêu doanh thu năm nay ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 24%. Lợi nhuận được đặt mục tiêu cán mốc 100 tỷ đồng, tăng 25%.
Đích đến mục tiêu năm 2022 còn xa
Sau chặng đường 9 tháng vừa qua, các kế hoạch tham vọng này nhiều khả năng khó hoàn thành khi thị trường bất động sản rơi vào thế khó ở nửa cuối năm nay. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp chưa đạt được 50% kế hoạch mục tiêu năm 2022.
Tại doanh nghiệp xây dựng lớn như Tập đoàn Hòa Bình sau 9 tháng kinh doanh cũng chỉ đạt mức 10.904 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45%. Lợi nhuận sau thuế của công ty là 61 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với con số tham vọng đặt ra hồi đầu năm thì phía Hòa Bình mới chỉ hoàn thành 62% kế hoạch doanh thu và 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Coteccons có doanh thu thuần 9 tháng đầu năm nay đạt 8.306 tỷ đồng, tăng 34%. Thế nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng, giảm 98% so với con số 88 tỷ đồng của năm ngoái. Về mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, "ông lớn" này hoàn thành lần lượt 55% và xấp xỉ 10%.
Với 1.108 tỷ đồng, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của Phục Hưng Holdings gấp 1,7 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng công ty cũng mới chỉ hoàn thành 41% kế hoạch đề ra. Về con số lợi nhuận, trong 3 quý đầu năm, doanh nghiệp này thu về 16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 9 tháng và mới đạt được 27% mục tiêu đề ra.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (L18) cũng mới hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 47% lợi nhuận kế toán trước thuế.
Trong nhóm các công ty xây dựng niêm yết trên sàn, Hưng Thịnh là đơn vị hoàn thành kế hoạch kinh doanh nhanh nhất trong năm nay. Trong 9 tháng, doanh nghiệp này đạt 4.249 tỷ đồng doanh thu và 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng thực hiện 57% mục tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận.
Có một số công ty niêm yết có kết quả kinh doanh bết bát như Công ty Cổ phần DIC số 4 (DC4) chỉ mới đạt 21% doanh thu kế hoạch, 5% lợi nhuận trước thuế, và 1% lợi nhuận sau thuế.
Có thể thấy, con số đạt được của DC4 còn cách xa kế hoạch năm nhiều lần và thậm chí trong 3 tháng cuối năm DC4 có thể không hoàn thành kế hoạch năm 2022.
Khả quan nhất trong ngành xây dựng là Ricons. Sau 9 tháng, công ty đạt 8.356 tỷ đồng doanh thu và 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm, Ricons đã hoàn thành 84% mục tiêu về doanh thu và 81% lợi nhuận sau thuế.
Trước bối cảnh khó hoàn thành kế hoạch đặt ra, một số doanh nghiệp xây dựng đã có động thái tăng tốc trong những tháng cuối năm, chẳng hạn như lập tổ công tác để kiểm tra, đánh giá tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy động lực làm việc của nhân sự...