Thị trường tã bỉm Việt Nam: Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh?

Theo chuyên gia ngành giấy, ở giai đoạn này, các doanh nghiệp FDI sản xuất tã bỉm ở Việt Nam vẫn gia công, nhập nguyên liệu về chế biến ra sản phẩm.

Tập đoàn ngành hàng tiêu dùng nhanh Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ) vừa công bố tham gia thị trường tã trẻ em Việt Nam với thương hiệu Molfix,  kỳ vọng chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần ngành hàng này vào năm 2025.

Cuối năm ngoái, Hayat công bố đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Bình Phước, nay đã hoàn thành giai đoạn một với ước tính ban đầu khoảng 100 triệu USD.

Trong giai đoạn hai, nhà máy Hayat tại Việt Nam sẽ cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác trong khối ASEAN như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia. Tổng giá trị xuất khẩu của Hayat Việt Nam ước tính đạt 50 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh hạng mục tã giấy cho em bé hiện có, Hayat cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm.

Trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, ông có theo dõi thông tin Tập đoàn Hayat đầu tư vào Việt Nam. Đây là nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ 5 thế giới, cũng là nhà sản xuất khăn giấy lớn nhất tại Trung Đông, Đông Âu và châu Phi, đồng thời nắm giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh trên toàn cầu.

Hayat nuôi tham vọng chiếm lĩnh thị trường tã trẻ em ở Việt Nam, song trước khi "ông lớn" Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân vào Việt Nam, thị trường tã bỉm của nước ta cũng đã do các doanh nghiệp FDI làm chủ, với những tên tuổi đình đám như Kimberly Clark với sản phẩm Huggies, Procter & Gamble với Pamper, Diana Unicharm với Bobby, KAO với Merries...

Ông Bảo đánh giá, thị trường tã bỉm của Việt Nam rất hấp dẫn và để sản xuất tã bỉm không phải là khó. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn, chiếm lĩnh thị trường, trong đó khó nhất vẫn là khâu bán hàng, vì khó có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc vốn có giá cực rẻ do sản xuất nhiều, quy mô lớn.

Nhà máy Hayat tại Bình Phước  
Nhà máy Hayat tại Bình Phước  

Việc doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường tã bỉm ở Việt Nam, theo ông Bảo, là điều dễ hiểu khi họ có vốn lớn, có công nghệ, kinh nghiệm, đặc biệt là cực kỳ chuyên nghiệp, còn doanh nghiệp Việt thì yếu mọi thứ, có tham gia được vào thị trường cũng chỉ bán nhỏ lẻ.

Dù vậy, có một điểm chung giữa các doanh nghiệp sản xuất tã bỉm được ông Vũ Ngọc Bảo chỉ ra, đó là dù là doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội địa, muốn sản xuất được sản phẩm thì đều phải nhập nguyên liệu. Theo đó, loại nguyên liệu chính để sản xuất tã bỉm có tên Fluff - bụi xơ giấy, bông giấy hay Fluff Pulp - bột dạng xơ, Việt Nam chưa sản xuất được loại nguyên liệu này, mà đây lại là nguyên liệu gốc. Để có được nhà máy sản xuất được bột dạng xơ phải đầu tư rất lớn. Chính vì thế, việc nhập khẩu cũng là điều hiển nhiên, khi Việt Nam không thể sản xuất được hết tất cả mọi thứ.

"Trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Hải quan Việt Nam có loại bột dạng xơ này. Các nhà máy ở Việt Nam nhập về để sản xuất tã bỉm hay quần áo y tế dùng một lần. Ngoài ra, nhà máy có thể nhập luôn vải không dệt - cũng được làm từ bột dạng xơ.

Ngay cả khi Hayat đầu tư vào Việt Nam, ở giai đoạn đầu họ cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất tã bỉm khác -  chỉ làm gia công bằng cách nhập nguyên liệu về, chế ra sản phẩm.

Hayat đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ 4 năm nay, có vốn lớn, do đó trong giai đoạn đầu lượng vốn phải đầu tư nhiều, chưa thể thu hồi vốn ngay. Đến lúc nào đó, khi lượng tiêu thụ lớn hơn nữa, Hayat có thể lập nhà máy sản xuất bột dạng xơ rồi chế biến đến sản phẩm cuối cùng", ông Vũ Ngọc Bảo nhận xét.

Vị chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý đến khả năng cạnh tranh còn yếu của doanh nghiệp Việt với FDI và sản phẩm ngoại nhập. Ông dẫn ví dụ ngay mặt hàng giấy ăn, tại Việt Nam có nhiều nhà sản xuất với các thương hiệu như Pulppy, Watersilk, An An, Hà Nội... nhưng rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam và ngay cả người làm trong ngành giấy như ông Bảo lại ưa dùng giấy ăn gấu trúc Sipao của Trung Quốc. Loại giấy ăn do Trung Quốc sản xuất này không có chất tẩy trắng nên giấy vẫn có màu nâu, chất giấy dai, mịn và quan trọng là rất rẻ, chỉ dao động từ 105.000-115.000 đồng một thùng 30 gói.

"Ngay cả mặt hàng giấy ăn doanh nghiệp Việt cũng chưa chiếm được thị trường, để hàng Trung Quốc tràn vào rất nhiều.

Hayat vào Việt Nam chắc chắn cũng phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, nhưng với tiềm lực mạnh, họ sẽ cạnh tranh được", ông Bảo nói.

Ông cũng lưu ý đến tình trạng doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò chính trong sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Việt Nam, kể cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày...

Ngay như ngành sản xuất giấy, đến 45% sản lượng giấy sản xuất gia thuộc về FDI, 55% còn lại thuộc doanh nghiệp Việt Nam dù trước đây doanh nghiệp Việt chiếm 100%. Ông Bảo dự báo, chỉ chừng 10 năm nữa, sản lượng giấy do doanh nghiệp FDI sản xuất sẽ chiếm trên 60%.

"Doanh nghiệp FDI nộp thuế, tạo công ăn việc làm cho lao động Việt Nam, nhưng nền kinh tế muốn bền vững thì phải dựa vào nội lực là chính", ông nhấn mạnh.

Thành Luân

Theo Đất Việt