Thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều thách thức khi tỉ lệ nợ xấu tăng cao
Chia sẻ tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, sáng 25/4, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn Fiin Group cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức khi tỉ lệ nợ xấu tăng cao.
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có vai trò và tiềm năng rất lớn, tuy nhiên thực tế cho thấy đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức, cá nhân dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ.
Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp thành viên thị trường phản ánh hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng đang gặp nhiều vướng mắc, do quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập.
Chia sẻ tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, sáng 25/4, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn Fiin Group cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng bao gồm kênh tín dụng chính thức hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và kênh phi chính thức hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự.
“Dù Việt Nam có thị trường tài chính tiêu dùng nhiều tiềm năng nhưng về quy mô còn kém xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thị trường này đang gặp nhiều thách thức cả trong hiện tại và thời gian tới khi tỉ lệ nợ xấu tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19. Mặt khác, còn nhiều bất cập trong việc thực thi và quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng”, ông Đồng nói.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng.
Đến nay, mới có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng, đối tượng vay chủ yếu là người lao động, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng.
Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ 16 công ty tài chính đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87 % so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Dù tỉ lệ còn nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống, song đã hỗ trợ khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Tuy vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lo ngại khi tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao. Đến cuối năm 2022, tính chung nợ xấu của 16 công ty tài chính tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Để đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng, tại tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả đã kiến nghị các giải pháp cụ thể.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng để có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ.
Nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Đồng thời, cần xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp việc thẩm định, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình xét cấp tín dụng được đầy đủ, chính xác và kịp thời, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
Anh Hoài