Lãi suất cho vay lùi dần về 10%: Chính sách đã ngấm, tiền ứ chờ khách

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng tư nhân đã được điều chỉnh về quanh mốc 10%/năm từ mức 11-12% hồi cuối tháng trước.

Lãi suất cho vay sắp về quanh ngưỡng 10%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ một cách rõ ràng khi chỉ trong hai tuần cuối tháng 3 đã tiến hành hai đợt giảm lãi suất điều hành. Đây là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, mở ra kỳ vọng cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn. 

So với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 0,5-1,5% ở tất cả kỳ hạn, chủ yếu với các kỳ hạn trên 6 tháng khi thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện và nhu cầu tín dụng còn thấp.

Sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất cho vay cũng rục rịch giảm. So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện giảm khoảng 1-2 điểm % sau khi nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Báo cáo từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 3, đã có 24 ngân hàng giảm lãi vay.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website các ngân hàng, lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng tư nhân đã được điều chỉnh về quanh mốc 10%/năm từ mức 11-12% hồi cuối tháng 1. Thông thường, lãi suất cho vay thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ khoảng 3-5%/năm.

Theo giới phân tích, lãi suất cho vay sẽ có nhiều dư địa để giảm sâu trong thời gian tới.

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán KB (KBSV) cho biết: “Với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, Fed được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7% và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%".

Bên cạnh đó, nhóm phân tích của KBSV cho rằng NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 0,5 điểm % trong quý 2/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

Theo KBSV, trong năm 2023, các yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống bao gồm: NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng; kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trong thời gian tới dựa vào một số cơ sở: lãi suất huy động hạ nhiệt làm tiền đề giảm lãi suất cho vay; thanh khoản hệ thống dồi dào, nhu cầu tín dụng yếu nên quy luật cung cầu thì lãi suất cho vay sẽ giảm; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ 01/04/2023 với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 8,2-8,7%/năm đối với chủ đầu tư và người mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và xây dựng lại chung cư cũ.

Nhóm phân tích của VDSC kỳ vọng, mức giảm đối với mặt bằng lãi suất cho vay là khoảng 0,5-1 điểm %, tuỳ lĩnh vực. Đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất trần 4,5%/năm không khác biệt nhiều nhưng đối với lĩnh vực bất động sản thì đang mở ra một kênh dẫn vốn với chi phí rẻ hơn.

Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của NHNN, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong quý II/2023 và giảm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023. Cùng với lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, các ngân hàng kỳ vọng tín dụng tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023.

Lãi suất cho vay lùi dần về 10%: Chính sách đã ngấm, tiền ứ chờ khách - Ảnh 1


Muốn đẩy tín dụng nhưng lo nợ xấu tăng lên

Giới phân tích nhận định, lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định để mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào nền kinh tế. Lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt hơn bắt đầu từ quý II/2023. Bởi, gần đây, một số ngân hàng đã công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh", ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn Tài chính FIDT, dự báo về thời gian hạ lãi suất cho vay.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất huy động hạ nhiệt nhưng lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm. Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III năm 2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn.

Thêm nữa, lãi suất cho vay hiện vẫn chưa giảm đủ sâu. Lãi suất cho vay cần giảm hơn nữa để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất dao động từ 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước áp lực tỷ giá và lạm phát thì việc hạ lãi suất cần thận trọng và có lộ trình, trong đó, lãi suất cho vay nên giảm dần về mức 9% là phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay vẫn đang ở mức rất cao nên họ không dám vay vốn. Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 không cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xuất phát từ tình hình khó khăn tại nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất cần vốn để duy trì sản xuất nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn, bởi vì ngân hàng đòi hỏi quá nhiều hồ sơ, thủ tục kèm theo các điều kiện, nếu đáp ứng được thì phải xếp hàng chờ nhưng không biết đến khi nào mới được giải ngân.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu không “mềm hóa” quy định về thế chấp, định giá tài sản thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi sản xuất - kinh doanh vẫn khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay là một nguyên tắc của tín dụng. Hạ chuẩn tín dụng đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho từng tổ chức tín dụng cũng như an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống, hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh rủi ro tăng cao, việc hạ chuẩn tín dụng, nới lỏng điều kiện vay có thể làm gia tăng nguy cơ nợ xấu ngân hàng. Việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt nhưng sẽ đẩy rủi ro về tương lai.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance