Thiếu nguồn cung kéo dài nhiều năm, giá vàng nhẫn sẽ đắt ngang vàng miếng SJC?
Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh, có những lúc tiến sát mốc 67 triệu đồng/lượng trong những ngày vừa qua. Nhu cầu mua vàng nhẫn của người dân cũng tăng theo, dẫn đến tình trạng khan hiếm vàng nhẫn ở một số cơ sở kinh doanh vàng.
Ngay từ trước Tết Nguyên đán, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 đã liên tục neo ở mức cao, dao động trong khoảng từ 65 – 66 triệu đồng/lượng. Trong dịp vía Thần Tài (19/2) năm nay, vàng nhẫn lại tiếp tục là mặt hàng được nhiều người chọn mua.
Sức mua tăng khiến nguồn cung vàng nhẫn ngày càng khan hiếm, đẩy giá bán của kim loại quý này lên mức cao kỷ lục. Trong những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá vàng nhẫn SJC liên tục tăng, thậm chí có những lúc vượt mốc 66,5 triệu đồng – mức cao nhất từ trước đến nay.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng nhẫn trong nước và giá vàng nhẫn trên thế giới cũng được nới rộng, từ 2 – 3 triệu đồng/lượng lên gần 5 – 6 triệu đồng/lượng.
Nhiều người không khỏi đặt câu hỏi trước sự biến động của giá vàng nhẫn cũng như tình trạng khan hiếm của mặt hàng này trong những ngày vừa qua. Trên một hội nhóm những người đầu tư vàng, không ít ý kiến cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang “làm giá” để đẩy giá vàng nhẫn lên cao.
“Vàng nhẫn không độc quyền như vàng miếng SJC, nhiều thương hiệu cùng sản xuất, không có lý nào lại khan hiếm như vậy”, anh Thanh Tùng (Hà Nội) bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề làm giá luôn hiện hữu trong thị trường vàng. Giá vàng nhẫn hiện tại đang tăng bất bình thường và các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm, ông nói.
Ông nhận định, giá vàng nhẫn tăng trong bối cảnh giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới tăng. Ngoài ra, một yếu tố khác góp phần không nhỏ vào đà tăng của giá vàng nhẫn là do giá nguyên liệu tăng và nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Trong trường hợp bài toán nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn chưa được giải quyết thì đến một ngày nào đó, giá vàng nhẫn sẽ tăng dần mức đắt đỏ lên như vàng miếng SJC”, ông Hiếu cho hay.
Trên thực tế, tình trạng thiếu nguồn cung vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang và mỹ nghệ đã được Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) cảnh báo từ nửa cuối năm 2023.
Kể từ khi Nghị định 24 ra đời, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu khiến nguồn thu mua vàng trên thị trường là nguồn duy nhất để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức. Nhiều doanh nghiệp phải dùng nguồn vàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc trên thị trường để chế tác vàng nữ trang.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an siết chặt các vụ buôn lậu vàng cùng với những quy định khắt khe hơn về nguồn gốc của vàng, nhiều doanh nghiệp đang có tâm lý e ngại rủi ro pháp lý khi thu mua vàng nguyên liệu. Điều này đã dần làm hẹp nguồn cung vàng nguyên liệu, dẫn đến tình trạng thiếu vàng nhẫn ở một số thời điểm.
Bên cạnh đó, việc nhiều người chuyển hướng đầu tư vàng miếng SJC sang vàng nhẫn cũng góp phần đẩy giá vàng nhẫn lên cao.
Trong tháng 2, thị trường liên tục ngóng đợi những thay đổi từ Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng sau loạt chỉ thị từ phía Chính phủ. Theo nhiều chuyên gia, giá vàng miếng SJC sẽ biến động mạnh sau khi Nghị định 24 được sửa đổi, thậm chí có thể giảm tới vài triệu đồng/lượng nếu nguồn cung vàng miếng được bổ sung. Chính vì thế, nhiều người lựa chọn vàng nhẫn với tâm lý “chắc ăn”.
Các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản,… vẫn chưa thực sự khởi sắc trong đầu năm 2024 cũng là lý do khiến dòng tiền đầu tư đổ vào thị trường vàng nhiều hơn. Trong đó, vàng nhẫn với giá thành phải chăng hơn, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người đã trở thành một trong những lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong thời gian qua.