Thoái vốn Nhà nước: 'Mỏi mắt' tìm nhà đầu tư vì định giá cao, sinh lời thấp

Hàng loạt phiên đấu giá cổ phần, thoái vốn Nhà nước bị huỷ vì thiếu vắng nhà đầu tư. Phía doanh nghiệp tỏ ra e ngại vì mức định giá cao, khiến mức sinh lời thấp hơn kỳ vọng.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra 5 thông báo về việc không tổ chức các phiên đấu giá cổ phần và chào bán cạnh tranh tại ba doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Cụ thể, các phiên đấu giá cổ phần của Công ty cổ phần Cơ khí Ô tô Uông Bí và Công ty Cổ phần Cơ điện Uông Bí – Vinacomin (UPCoM: UEM), do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sở hữu, đã bị hủy.

Tương tự, phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8), do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ, cũng không thể tổ chức.

Ngoài ra, phiên đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Sa Pa, do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Lào Cai sở hữu, cũng bị hủy bỏ.

Riêng với Cienco8, SCIC đã hai lần công bố hủy tổ chức đấu giá cổ phần, đồng nghĩa với hai lần thoái vốn bất thành tại doanh nghiệp xây dựng này.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), khi từ đầu năm đến nay, có ba phiên đấu giá và chào bán cạnh tranh cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước bị hủy.

Các trường hợp bao gồm: phiên đấu giá cổ phần tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (HoSE: DMC) do SCIC sở hữu; phiên chào bán cổ phần ra công chúng tại Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn (HNX: HTC) do Công ty Xăng dầu Khu vực II – TNHH MTV nắm giữ; và phiên chào bán cạnh tranh cổ phần tại Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung (HoSE: CHP) do Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (TV3) sở hữu.

Ngoại trừ hai trường hợp của UEM và HTC ghi nhận một nhà đầu tư đăng ký tham gia, các phiên còn lại đều không thu hút được sự quan tâm từ phía nhà đầu tư, dẫn đến không đáp ứng đủ điều kiện tổ chức và bị coi là không thành công.

Việc liên tiếp phải hủy các phiên đấu giá phản ánh những khó khăn kéo dài trong quá trình thoái vốn Nhà nước. Một trong những nguyên nhân chính là sự chênh lệch lớn giữa kỳ vọng về giá của bên bán và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn nhiều biến động.

(Hình minh hoạ)  
(Hình minh hoạ)  

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, khi được hỏi về kế hoạch tham gia các phiên thoái vốn Nhà nước để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty con, công ty liên kết, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE) cho biết đang cân nhắc. Đồng thời, bà cũng chia sẻ rằng mức định giá mà Nhà nước đưa ra thường cao hơn thực tế, khiến suất sinh lời nội bộ (IRR) chỉ đạt khoảng 5–6%, thấp hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Điển hình, trong thương vụ SCIC dự kiến thoái vốn tại DOMESCO, mức giá chào bán là hơn 1.531 tỷ đồng cho toàn bộ lô cổ phần, tương đương 127.046 đồng/cổ phiếu – cao hơn tới 41% so với thị giá cổ phiếu DMC tại thời điểm công bố.

Hay trong thương vụ thoái vốn quy mô lớn tại Thủy điện Miền Trung, hai cổ đông Nhà nước đưa ra mức giá hơn 2.950 tỷ đồng, tương đương 87.284 đồng/cổ phiếu – cao gấp 2,2 lần thị giá cổ phiếu CHP. Đây có thể là lý do khiến REE không tham gia đấu giá, dù ban lãnh đạo từng nhấn mạnh chiến lược M&A các nhà máy thủy điện trong thời gian tới.

Không chỉ định giá cao, chất lượng tài sản cũng là một rào cản. SCIC từng cho biết, ngoài 12 doanh nghiệp giữ lại theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn các doanh nghiệp còn lại trong danh mục thoái vốn là các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, khó bán, thậm chí không có sức hút với nhà đầu tư.

Trong năm 2024, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn tại 58 doanh nghiệp. Ngoài hai trường hợp đã hoàn tất từ cuối năm 2023 là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (HNX: VNC) và Công ty Cổ phần Phim truyện 1, cơ quan này chỉ thực hiện thành công tại 4 doanh nghiệp khác gồm: Công ty Cổ phần Dược Khoa, Công ty Cổ phần Mía đường Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện Quảng Nam và Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL).

Dù danh sách 58 doanh nghiêp mà SCIC đưa ra bao gồm nhiều cái tên hấp dẫn và được nhà đầu tư chờ đợi như Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP), Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT),... nhưng ngoài việc nêu tên, SCIC lại không cho thấy động thái nào khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2021–2024, Nhà nước đã thoái vốn tại 15 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách đạt 405,2 tỷ đồng, thu về 656,9 tỷ đồng. Sang năm 2025, kế hoạch đặt ra là tiếp tục thoái vốn tại 131 doanh nghiệp Nhà nước, với kỳ vọng thu về khoảng 10.040 tỷ đồng.

An Đường

Theo VietnamFinance