Thời điểm nhiều rủi ro: 'Tỷ giá tăng trên 5% sẽ tác động tiêu cực đến TTCK'
Trao đổi với VietnamFinance, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của VNDIRECT, cho rằng mặc dù diễn biến tỷ giá hiện chưa quá đáng ngại nhưng nếu tỷ giá USD/VND tăng trên 5% có thể tác động xấu tới tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài và gây mất ổn định vĩ mô, từ đó tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán (TTCK).
Thời gian gần đây, tỷ giá "nóng" lên và là tâm điểm thảo luận của giới tài chính. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng rằng việc tỷ giá tăng mạnh có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.
- Khoảng một năm trước, tỷ giá "nóng" lên và là nguyên nhân quan trọng khiến lãi suất tăng mạnh, kéo theo TTCK giảm sâu. Bối cảnh năm nay như thế nào, liệu có tác động tiêu cực như một năm trước hay không, thưa ông?
Ông Đinh Quang Hinh: Vấn đề tỷ giá đã "nóng" lên trong những tuần gần đây trong bối cảnh chỉ số DXY tăng mạnh vượt mốc 105 điểm lên vùng cao nhất kể từ đầu năm 2023. Đà tăng được thúc đẩy bởi: (1) lo ngại về khả năng FED có thể tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay và (2) lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP_ Mỹ tăng cao trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng, kéo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng lên mức 24.385 tại ngày 18/9/2023 (tăng 3,2% so với đầu năm nay).
Nhìn lại bối cảnh căng thẳng tỷ giá năm 2022, có thời điểm chỉ số DXY chạm mốc 114 điểm và tiền đồng mất giá tới gần 9% so với đầu năm. So sánh giữa bối cảnh năm nay với năm ngoái chúng tôi nhận thấy có một số điểm khác biệt:
Thứ nhất, nguồn cung ngoại tệ năm nay tích cực hơn so với thời điểm cuối năm 2022. Cụ thể, cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể khi 8 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất siêu gần 20 tỷ USD (gấp gần 4 lần cùng kỳ). FDI và kiều hối duy trì tích cực. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ còn được bổ sung bởi các thương vụ (deal) bán vốn cổ phần như của VPBank. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã mua lượng đáng kể dự trữ ngoại hối thời điểm trong giai đoạn đầu năm 2023 và có thể sử dụng can thiệp thị trường nếu cần thiết.
Thứ hai, áp lực rút vốn cũng chưa lớn như thời điểm năm ngoái. Một yếu tố khiến dòng USD chảy ra khỏi Việt Nam năm ngoái liên quan tới sự bất ổn của thị trường tài chính sau sự kiện liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong năm nay, thị trường cơ bản đã ổn định trở lại nhờ những chính sách vĩ mô của Chính phủ và NHNN.
Bên cạnh đó, chỉ số DXY khó có thể lặp lại kịch bản tăng lên vùng đỉnh của năm 2022 là mức 114 điểm. Kể từ đầu năm 2023, DXY vẫn đang giao dịch trong biên độ dự báo của thị trường hồi đầu năm là trong mức 100-106 và chưa có dấu hiệu sẽ phá vỡ xu hướng này. Do đó, chúng tôi cho rằng áp lực chảy ngoại tệ ra bên ngoài sẽ thấp hơn so với giai đoạn cuối năm 2022.
Nhìn chung, áp lực với tỷ giá là có, nhưng sẽ không lớn như giai đoạn quý III, quý IV năm 2022.
- Theo ông, trong ngắn hạn, diễn biến tỷ giá có đáng lo đối với TTCK hay không? Trong trung hạn (năm 2024) thì sao, thưa ông?
Hiện tại, diễn biến tỷ giá chưa quá đáng lo ngại. Tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3,2% vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thực tế, các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cũng đang mất giá khoảng 3-6% so với USD kể từ đầu năm. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng. Nếu tỷ giá tăng vượt 5% có thể tác động xấu tới tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài và gây mất ổn định vĩ mô, từ đó tác động tiêu cực tới TTCK. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát chặt chẽ diễn biến tỷ giá trong những tuần tới.
Trong trung hạn, việc dự báo là khá rủi ro. Tôi cho rằng nhà đầu tư thay vì cố dự báo thì nên quan sát kỹ diễn biến DXY và tỷ giá. Nếu DXY tăng mạnh vượt vùng dự báo hồi đầu năm hoặc tiền đồng mất giá trên 5% so với USD thì nhà đầu tư nên thận trọng hơn và chuyển sang trạng thái phòng thủ.
- Bên cạnh tỷ giá, lạm phát cũng bắt đầu trở thành yếu tố đáng lưu tâm đối với giới đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam?
Áp lực lạm phát tăng lên trong những tháng cuối năm tôi cho rằng là điều không bất ngờ và đã nằm trong dự báo của nhiều chuyên gia. Về vấn đề lạm phát, tôi cho rằng Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát lạm phát năm nay như mục tiêu đề ra đầu năm là dưới 4,5%. Áp lực lạm phát chủ yếu đến từ việc một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tăng giá trở lại. Tuy vậy, trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng thì áp lực lạm phát sẽ không quá lớn và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
- Đối trọng với rủi ro tỷ giá và lạm phát, theo ông, đâu là những yếu tố hỗ trợ TTCK Việt Nam hiện nay? Theo ông, "phe tích cực" hay "phe tiêu cực" đang chiếm ưu thế? Nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
TTCK Việt Nam vẫn đang được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt và chính sách mở rộng tài khóa để phục hồi kinh tế (giảm thuế, phí, tăng lương,…). Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vòng sẽ cải thiện tốc độ phục hồi trong những tháng cuối năm 2023, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh và bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm (đặc biệt là quý IV) và đây sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường trong giai đoạn cuối năm nay.
Về chiến lược đầu tư/giao dịch, đối với nhà đầu tư ngắn hạn nên theo dõi sát những diễn biến liên quan tới Fed, tỷ giá, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài để đưa ra quyết định giao dịch kịp thời. Giai đoạn này nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục hơn là tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt, có triển vọng kinh doanh tích cực. Yếu tố kết quả kinh doanh phục hồi sẽ là yếu tố thúc đẩy đà đi lên của thị trường trong những quý tới.
- Ông cho rằng VN-Index sẽ biến động trong khoảng nào từ nay đến cuối năm? Liệu VN-Index đã tạo đỉnh cả năm hay chưa? Cổ phiếu các ngành nào có triển vọng tốt, thưa ông?
Trong kịch bản áp lực tỷ giá và lạm phát trong tầm kiểm soát, tôi cho rằng thị trường vẫn còn dư địa trong những tháng cuối năm 2023.
Về nhóm ngành, nhà đầu tư có thể tiếp tục ưu tiên những ngành được hưởng lợi từ chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, bao gồm: Ngành ngân hàng, chứng khoán (hưởng lợi từ xu hướng lãi suất giảm); nhóm doanh nghiệp xây lắp hạ tầng, vật liệu xây dựng (hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công).
Với tầm nhìn dài hạn hơn cho một năm tới, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những nhóm ngành đang “tạm thời ảm đạm” nhưng có triển vọng phục hồi mạnh trong năm 2024 khi nền kinh tế, ngành công nghiệp và hoạt động xuất khẩu quay trở lại, bao gồm những ngành sau: Xuất nhập khẩu (thủy sản, logistic), sản xuất công nghiệp (dầu khí, điện, hóa chất) và ngành bán lẻ (tiêu dùng phục hồi).