TTCK giảm sốc rồi liên tục rung lắc: Nhà đầu tư nên làm gì?
Giao dịch trong giai đoạn rung lắc chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả rung lắc trong xu hướng đi lên (uptrend) hay xu hướng đi xuống (downtrend). Trong quá khứ, hiếm khi thị trường có thể tái cân bằng chỉ sau 1 tuần. Tuy nhiên, việc xác định xu hướng thị trường là rất quan trọng để đưa ra hành động đúng.
Rung lắc trong uptrend hay downtrend?
Trong “ngày Thứ Sáu đen tối” 18/8, thị trường chứng khoán ghi nhận đợt bán tháo gây ngạc nhiên. Giới đầu tư đa phần chấp nhận rằng thị trường cần điều chỉnh khoảng 50 - 100 điểm sau một đợt tăng “nóng” nhưng mức giảm tới trên 55 điểm chỉ trong 1 phiên thì khó ai có thể tưởng tượng được.
1 tuần sau đó, giới đầu tư vẫn chưa thể thống nhất về nguyên nhân cốt lõi dẫn đến phiên giảm sốc trên. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư coi đây là cơ hội “nhặt hàng giá rẻ”. Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư khác lại bày tỏ sự bi quan về tình hình kinh tế trong nước và cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến giai đoạn điều chỉnh của thị trường.
Cụ thể, ngày 22/8, tức là vài ngày sau phiên giảm sốc, tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, Thách thức và Quyết tâm”, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng của nền kinh tế 7 tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng 4,56%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 4,73%, có nghĩa là dư nợ tín dụng đã giảm trong tháng 7/2023. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, việc tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, phần vì nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng (nhất là nhu cầu mua nhà) suy yếu, phần vì doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn vay vốn.
Từ đây, xuất hiện lo ngại nền kinh tế bị trì trệ kéo dài. Nếu gặp thêm các áp lực từ thế giới, đặc biệt là về tỷ giá (dù là chịu tác động trực tiếp thông qua việc thay đổi dòng vốn nước ngoài hay chịu tác động gián tiếp thông qua việc tăng lãi suất), thì tình hình sẽ càng tồi tệ.
Tuy nhiên, quan điểm này có vẻ không được số đông ủng hộ, bởi những kịch bản thuộc dạng “xấu nhất” như vậy thường ít khả năng xảy ra. Các kịch bản còn lại dường như có xác suất xảy ra cao hơn lại đang ủng hộ cho xu hướng uptrend của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, với kịch bản nền kinh tế Việt Nam chậm hồi phục, nhu cầu tín dụng chưa thể cải thiện, tình trạng “dư tiền” tiếp tục giúp lãi suất tiết kiệm duy trì ở mặt bằng thấp. Ngày 23/8 vừa qua, lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) giảm thêm 0,3-0,5% ở hàng loạt kỳ hạn, với kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm, với kỳ hạn 1 năm giảm từ 6,3% xuống còn 5,8%/năm. Trên thực tế, hiện nay, đại đa số các ngân hàng đã giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng - 1 năm xuống dưới 7%/năm.
Trong khi đó, theo số liệu của FiinTrade, P/E của VN-Index tính đến hết ngày 26/8/2023 ở mức khoảng trên 14 lần, tương đương lợi suất sinh lời 7,1%/năm, cao hơn đáng kể lãi suất tiết kiệm trung bình hiện tại. Điều này hàm ý hiệu ứng “tiền rẻ” vẫn sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Ở kịch bản khác là nền kinh tế dần hồi phục, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ chuyển giao động lực đi lên từ “lãi suất thấp” sang “tăng trưởng lợi nhuận”, như chúng tôi từng đề cập đến trong bài viết "Thời kỳ chuyển giao của thị trường chứng khoán".
Khi đó, thị trường có khả năng đối mặt những rung lắc mạnh mẽ vì một số lý do. Thứ nhất, cầu tín dụng tăng lên sẽ tạo ra nhiều áp lực huy động vốn hơn, từ đó khiến lãi suất tiết kiệm tạo đáy và có thể nhích lên. Trên thực tế, lãi suất tiết kiệm hiện nay đã về gần mặt bằng chung từng thiết lập trong đa số năm gần đây như năm 2016, 2017, 2019, 2020; nhất là lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng lớn. Cùng với đó, lãi suất toàn cầu giữ ở mức cao cũng là yếu tố gây áp lực cho lãi suất trong nước.
Thứ hai, cầu nền kinh tế tăng lên có thể gây áp lực lên lạm phát, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn đang ở mức cao. Thứ ba, kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy tâm lý doanh nhân lạc quan hơn, từ đó quyết định mở rộng kinh doanh và dòng tiền đáng kể có thể bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ mục đích này. Thứ tư, việc nền kinh tế phục hồi và triển vọng lãi vay hạ nhiệt, cộng thêm động lực từ các luật mới về bất động sản được ban hành trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ kích hoạt chu kỳ mới của thị trường bất động sản, do đó, dòng tiền cũng bị “chia lửa” sang thị trường này.
Tuy nhiên, đây chỉ là những rung lắc tạm thời. Nếu lãi suất không tăng đột biến, động lực “tăng trưởng lợi nhuận” sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường chứng khoán đi lên trong nhiều tháng sau đó, trước khi phải đối diện với những rủi ro đáng kể mới (nếu có).
Trong báo cáo phân tích vĩ mô công bố gần đây của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đơn vị này cho rằng đã “xuất hiện tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn”. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số IIP được cải thiện rõ rệt so với tháng trước (IIP tháng 6/2023 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ), đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 (đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ-kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán).
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7/2023 cũng có sự cải thiện nhẹ. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 30,1 tỷ USD trong tháng, giảm 2,1% so với cùng kỳ và giảm 0,2% so với tháng trước. Điều này đã cải thiện so với mức giảm 8,6% so với cùng kỳ trong tháng trước. Trong khi đó, chi tiêu nhập khẩu của Việt Nam tăng 2,4% so với tháng trước (giảm 11% so với cùng kỳ) lên 27 tỷ USD, đánh dấu đà phục hồi tháng thứ ba liên tiếp (theo tháng).
Dòng vốn FDI có dấu hiệu cải thiện khi vốn FDI đăng ký tăng 86% so với cùng kỳ lên 2,8 tỷ USD vào tháng 7/2023. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới tăng 85,3% so với cùng kỳ lên 1,4 tỷ USD và vốn FDI tăng thêm tăng 190,8% so với cùng kỳ lên 1,2 tỷ USD.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Giao dịch trong giai đoạn rung lắc chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả rung lắc trong uptrend hay xu hướng đi xuống downtrend. Trong quá khứ, hiếm khi thị trường có thể tái cân bằng chỉ sau 1 tuần. Tuy nhiên, việc xác định xu hướng thị trường là rất quan trọng để đưa ra hành động đúng. Trên hết, nhà đầu tư tin vào kịch bản nào thì hành động theo kịch bản đó và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.
Việc quản trị rủi ro luôn là điều quan trọng. Ngay cả khi nhà đầu tư xác định đúng xu hướng nhưng nếu việc sử dụng đòn bẩy không hợp lý, chẳng hạn với tỷ lệ margin quá lớn, nhà đầu tư có thể bị “call margin” và trở thành “nạn nhân” của các đợt “rũ hàng” dù thị trường vẫn trong uptrend. Ngược lại, nếu nhận định đúng rằng thị trường đang trong giai đoạn “bull–trap” (bẫy tăng giá) khổng lồ nhưng lại “short phái sinh” (đặt cược giá xuống) quá sớm và quá nhiều thay vì có chiến lược giải ngân phù hợp theo thời gian, thì nhà đầu tư có thể sẽ “gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường”, tệ nhất là “cháy tài khoản” trước khi thị trường bước vào downtrend thực sự.
Nếu khả năng quản trị rủi ro còn hạn chế và kinh nghiệm giao dịch chưa nhiều, việc sử dụng margin chỉ nên ở mức thấp, nhất là trong giai đoạn rung lắc như hiện nay; đồng thời, cũng nên tránh việc “long”, “short” trên thị trường phái sinh.
Ưu tiên lựa chọn danh mục cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt cũng như mức định giá tương đối hấp dẫn cũng là cách để vượt qua giai đoạn rung lắc của thị trường, bởi niềm tin dài hạn có thể giúp nhà đầu tư vững vàng hơn trong những đợt rung lắc ngắn hạn. Ngoài ra, giai đoạn rung lắc thường cũng là thời kỳ dòng tiền thông minh chuyển hướng vào các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan.
Việc đa dạng hóa danh mục cổ phiếu cũng quan trọng để đứng vững trong một thị trường hỗn loạn. Nếu một cổ phiếu diễn biến tồi tệ, các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư có thể giúp bù đắp những tổn thất đó. Đặc biệt, rất ít nhà đầu tư thực sự hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” cổ phiếu mà mình nắm giữ, cổ phiếu có thể mất giá nghiêm trọng vì những lý do chính đáng mà nhà đầu tư là người biết chậm nhất, đó là rủi ro lớn của việc “bỏ trứng vào một giỏ”.
Khi có một danh mục cổ phiếu đủ chất lượng và độ đa dạng, cùng niềm tin về xu hướng đi lên trong trung, dài hạn của thị trường, việc “quên tài khoản” đi là cách giúp nhà đầu tư vượt qua “cơn bão”, dù trải qua những cú sốc trong ngắn hạn nhưng điều này giúp tránh được những tổn thất từ những hành động đầy cảm tính.