Thống đốc NHNN: Xử lý ngân hàng yếu kém là một việc làm rất khó
Theo Thống đốc NHNN, xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa. Do vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang ở trong giai đoạn hoàn tất.
-
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phát biểu tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 16/10 liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, phía NHNN đã lắng nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thấy rằng về cơ bản báo cáo thẩm tra đã đánh giá rất toàn diện, chỉ rõ những mặt được và những mặt cần lưu ý để Chính phủ cũng như NHNN điều hành tốt hơn đối với lĩnh vực chính sách tiền tệ trong năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Về vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết đây là một việc rất khó và cần có thời gian. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt và NHNN, các bộ, ngành cũng đã trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền và hiện nay cũng đang tích cực triển khai.
Tuy nhiên xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó thì trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ vừa qua cũng lại gặp bối cảnh vô cùng khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước nên vấn đề này đang trong giai đoạn hoàn tất.
Với Báo cáo thẩm tra thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm nêu một số nhận định về hạn chế trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc ý kiến đánh giá việc quá chú trọng đến kiểm soát lạm phát theo nhiều ý kiến cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt là cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm là những bất cập…
Giải trình thêm vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết, những ý kiến nêu trên là nhìn từ từng góc độ riêng lẻ. Việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN phải theo tinh thần bám sát những yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đứng trên cục diện tổng thể của nền kinh tế.
Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu phải giảm mặt bằng lãi suất, phải đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và cũng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, trong việc điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2022 khi thế giới tăng lãi suất rất cao, nhưng xét thấy trong năm 2022, chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội nên những tháng đầu năm, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành và không có việc điều chỉnh tăng như các nước.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, có sự kiện xảy ra rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB. Lúc này NHNN phải tập trung ưu tiên, đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ như các ngân hàng trên thế giới. “Lúc đó các tổ chức tín dụng căng thẳng về thanh khoản. Thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tín dụng, các ngân hàng phải tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân”, bà Hồng nói.
Cũng theo Thống đốc NHNN, vào thời điểm tháng 10/2022, tỷ giá tăng rất cao, có lúc tăng đến 10%. Lúc đó, chỉ có một số giải pháp như can thiệp ngoại tệ, tăng lãi suất, làm hạn chế thanh khoản. “Thời điểm đó NHNN đều phải làm cả ba giải pháp này để ổn định tỷ giá”, bà Hồng cho hay.
Giải trình thêm về ý kiến cho rằng, lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, Thống đốc cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cân nhắc bởi ý kiến này cũng chỉ nhìn về vấn đề lạm phát và lãi suất, còn điều hành về lãi suất cũng như các công cụ của chính sách tiền tệ phải căn cứ vào các nhiệm vụ, như: mục tiêu lạm phát; các dự báo xu hướng của lạm phát trên thế giới và trong nước và cũng phải đáp ứng các yêu cầu về ổn định tỷ giá, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Trong các nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào mà cần phải có một sự hài hòa, linh hoạt trong điều hành. Nếu xu hướng lạm phát có thể bùng lên thì chính sách tiền tệ cũng phải tính đến việc phòng ngừa và chuẩn bị cho xu hướng thắt chặt.
Dẫn câu chuyện của nước Mỹ và một số nước năm 2021, Thống đốc cho biết, lãnh đạo các nước này đã đánh giá lạm phát chỉ là tạm thời và lúc đó chính sách tiền tệ của họ cũng chưa thắt chặt. Nhưng sang năm 2022, lạm phát bùng phát, tất cả các nước đều phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt rất nhanh và mạnh. Điều này đã tác động rất lớn đến tất cả các nền kinh tế và kinh tế toàn cầu.
Sau đó, năm 2022, bản thân lãnh đạo của các bộ chức năng Mỹ thừa nhận sai lầm là họ đã đánh giá đấy là lạm phát tạm thời. Cho nên để thấy được là đối với điều hành, chúng ta cũng không thể chủ quan với lạm phát.
“NHNN cũng thấy trong đánh giá thẩm tra Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã nêu rất rõ là lạm phát đã có xu hướng đảo ngược, từ tháng 7, 8, 9 đã có xu hướng tăng lên và lạm phát cơ bản giảm nhưng giảm chậm thì đây cũng là những yếu tố để có thể lưu ý trong điều hành chính sách tiền”, Thống đốc phát biểu.
Thống đốc NHNN cho biết, mặc dù đến ngày 21/9 tín dụng mới tăng 5,91% nhưng với tín hiệu phục hồi của sản xuất, kinh doanh và tín dụng thường tăng cao những tháng cuối năm, chỉ số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Cùng với đó, một số gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai tích cực. Gói tín dụng thủy sản 15.000 tỷ đồng, triển khai từ giữa tháng 7 đến nay đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã có 40 dự án được công bố, tổng nhu cầu vay khoảng 16.000 tỷ đồng và các ngân hàng giải ngân khoảng gần 90 tỷ đồng.
"Nếu trong kỳ họp tháng 10 này, Quốc hội phê chuẩn Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân thì khả năng nhu cầu vay vốn từ gói này sẽ tăng lên", Thống đốc bày tỏ kỳ vọng và cho biết thêm.
Thống đốc NHNN chia sẻ, hiện nay tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế vẫn còn thấp. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như đơn hàng giảm, doanh nghiệp không có đầu ra, vướng mắc thủ tục pháp lý về đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới khoảng 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong điều kiện bình thường cũng khó khăn về năng lực tài chính, nay chịu tác động của dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn.
"Các ngân hàng dù rất tạo điều kiện nhưng tiền cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng là tiền gửi của người dân, nên đòi hỏi đảm bảo cho vay có khả năng thu hồi nợ theo quy định của luật", Thống đốc nói.