Thống đốc: Tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn tăng trưởng tín dụng nền kinh tế

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thường tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện nay, số dư nợ của tín dụng bất động sản lên đến 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Giải trình trước Quốc hội chiều nay (28/10), bà Nguyễn Thị Hồng nói, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn và thời hạn dài, vì vậy cần phải được huy động từ nhiều kênh và vốn ngân hàng chỉ là một kênh. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng sẽ tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay, về thời hạn, về lãi suất và đặc biệt khác với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường, các tổ chức tín dụng ngoài kinh doanh theo mục đích kinh doanh của mình, tổ chức tín dụng cần phải luôn luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải đảm bảo thu hồi vốn để sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền, nếu không có thể sẽ gây hệ lụy đến chính tổ chức tín dụng mình cũng như đối với an toàn của hệ thống và nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, trên thực tế, tín dụng và lĩnh vực bất động sản cũng tăng rất nhanh trong những thời gian vừa qua và thường tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện nay, số dư nợ của tín dụng bất động sản lên đến 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Về vấn đề lãi suất còn cao, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% so với từ đầu năm 2022 đến nay. Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn giảm lãi cũng như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân và ước tính con số này lên tới 60.000 tỷ đồng và đây là một con số không nhỏ; các khoản cho vay đối với bất động sản là kỳ hạn dài thì thường lãi suất cao hơn so với các khoản lãi suất cho vay ngắn hạn, bởi vì tiền gửi huy động kỳ hạn dài lãi suất cao hơn huy động tiền gửi ngắn hạn.

Về tín dụng nhà ở xã hội, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tế Chính phủ hiện nay đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan bộ, ngành tập trung các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa trong thời gian vừa qua để xây dựng xóa nhà tạm dột nát. Tuy nhiên, để thực hiện cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của nhà nước.

Dẫn chứng về tín dụng cho nhà ở xã hội, bà Hồng cho hay, ngành ngân hàng đã đưa ra gói 120.000 tỷ đồng và đến nay gói này tăng lên 145.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn tự các tổ chức tín dụng huy động được từ người dân và lãi suất do chính các tổ chức tín dụng dùng nguồn lực tài chính của mình để giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho khách hàng vay vốn, đối với chủ đầu tư trong 3 năm và đối với người vay vốn là trong 5 năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận số dư giải ngân vẫn còn rất là ít, khoảng 1.700 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn đầu của quá trình phát triển đề án này đến năm 2030 và đặc biệt sau đại dịch Covid-19, người bình thường đã khó khăn, người có thu nhập thấp lại càng khó hơn, thậm chí khó khăn trong vấn đề trang trải cuộc sống, cho nên nhu cầu vốn chưa cao, nhưng trong thời gian khi khó khăn bớt đi có thể nhu cầu này sẽ tăng lên.

“Tôi rất tâm đắc với phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, đó là cần nguồn lực từ ngân sách nhà nước và cũng cần phải khảo sát xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay nhu cầu đi thuê nhà, từ đó có các giải pháp phù hợp”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Nam Yên

Theo Tài chính doanh nghiệp