Thu hút gần 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư, Bình Định vượt xa kế hoạch đặt ra
Bình Định tiếp tục được xem là điểm sáng thu hút đầu tư ở Nam Trung bộ khi trong năm 2022 địa phương đã thu hút mới 81 dự án và tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn gần 40.000 tỷ đồng
Kỳ vọng đón dòng vốn ngoại
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, tính đến 31/12/2022, tỉnh Bình Định thu hút mới 81 dự án (80 dự án trong nước, 1 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư hơn 19.644 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 19.475 tỷ đồng.
Với kết quả này, Bình Định đạt 135% so với kế hoạch đề ra đầu năm là thu hút 60 dự án.
Cụ thể, đối với thu hút đầu tư trong nước, có 33 dự án được đầu tư trong các cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 2.110 tỷ đồng; 21 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 3.310 tỷ đồng; 26 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 14.123 tỷ đồng.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã thu hút được 1 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 4 triệu USD; 1 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.
Ông Nguyễn Bay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, cho biết mặc dù số lượng dự án FDI cấp mới ít nhưng trong năm tỉnh đã đón và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong số đó nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế hàng đầu như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Australia, New Zealand, Thái Lan… kỳ vọng trong các năm tiếp theo sẽ đón được dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư này.
Thu hút đầu tư theo 5 trụ cột chính
Theo ông Nguyễn Bay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, trong năm 2023, để thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước; tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh, thành phố nước ngoài.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tập trung mời gọi các dự án đầu tư công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung công tác chuyển đổi số, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư.
Thứ ba, thu hút đầu tư tập trung các lĩnh vực theo 5 trụ cột chính, gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Thu hút có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.
Thứ tư, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến và quản lý đầu tư; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ năm, xây dựng danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2023 - 2025, trong đó xác định rõ các dự án trọng điểm tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh, ngoài các khu, cụm đã quy hoạch.
Thứ sáu, phấn đầu thu hút trên 60 dự án đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về số dự án. Phấn đấu thu hút trên 20.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về số vốn đăng ký. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm, kể cả vốn nước ngoài.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh trong nước: Bình Dương, Hà Tĩnh, Gia Lai, Hà Nội, TP.HCM và các thành phố nước ngoài: Izumisano (Nhật Bản), Yongsan, Incheon (Hàn Quốc); các trường Đại học FPT, Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng… theo chương trình hợp tác chung giữa các tổ chức và các địa phương với UBND tỉnh Bình Định.
Thứ tám, tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để lắng ý kiến doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp phát triển kinh doanh và phát triển hơn.
“Với quan điểm nhất quán luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh”, ông Nguyễn Bay cho biết thêm.