Thu ngân sách TP.HCM và chuyện xin tăng điều tiết ngân sách
Thu ngân sách TP.HCM vẫn đạt 371.384 tỷ đồng, đạt 91,51% dự toán. Trước đó, địa phương này kiến nghị xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23%
Chiều 31/12, thông tin về kết quả thu - chi ngân sách nhà nước năm 2020 của TP.HCM, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, kết quả thu chi ngân sách nhà nước năm 2020 mặc dù chưa đạt dự toán đầu năm 405.828 tỷ đồng nhưng vượt so với ước thực hiện, so với số đã báo cáo Quốc hội và Đại hội Đảng bộ thành phố.
Container xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái , TP.HCM. Ảnh: TPO |
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2020 tổng thu đạt 371.384 tỷ đồng, đạt 91,51% dự toán. Cụ thể, thu nội địa đạt 265.358 tỷ đồng; thu nội địa trừ tiền sử dụng đất là 257.771 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 84.290 tỷ đồng, đạt 82,6% dự toản (102.048 tỷ đồng). Nếu loại trừ khoản thanh toán khối lượng từ nguồn vốn đầu tư của các năm trước chuyển sang thì tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 72.579 tỷ đồng, đạt 71,12% dự toán.
Trong đó, chi đầu tư phát triển: 40.862 tỷ đồng (thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm 2020 là 29.152 tỷ đồng).
Trước đó, Thành ủy và UBND TP.HCM có đề án xin “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030” để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP.HCM, tạo tiền đề cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Theo đề án, TPHCM đề xuất xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại lên 23% giai đoạn 2022 - 2025; 26% giai đoạn 2026 - 2030 (bằng với tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách hai giai đoạn trước liền kề 2011 - 2016; 2007 - 2010).
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội khiến kết quả thu ngân sách nhà nước của TP.HCM chỉ đạt 91,51% dự toán. Tuy nhiên, theo nhận định, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vẫn duy trì tỷ trọng 25,48% trong tổng thu ngân sách cả nước như các năm trước đây.
Nếu căn theo con số này, nếu tình hình phát triển kinh tế tốt hơn, tỷ lệ tăng thu ngân sách TP.HCM cao hơn mà tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM được tăng lên 23% thì số tiền TP.HCM được giữ lại sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Việc TP.HCM xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách khiến nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm lo ngại. Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, đề xuất của TP.HCM được đề cập từ năm 2017, khi Chính phủ trình Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương 2017 trước Quốc hội. Theo đó, chốt tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP HCM là 18%.
Sau đó, đại diện lãnh đạo TP.HCM cũng có hai lần phát biểu tại hội trường Quốc hội đề cập tới nội dung này, đồng thời xin tăng tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM là từ 18% lên 33%.
Tuy nhiên, theo ông Hưng tỉ lệ điều tiết ngân sách phụ thuộc vào hai yếu tố đó là nguồn thu và nguồn chi. Phần thu là dựa trên khả năng, còn phần chi sẽ bao gồm có định mức đầu tư và định mức chi thường xuyên. Dựa trên tổng hợp hai yếu tố trên, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ KHĐT sẽ tính toán đưa ra một tỉ lệ điều tiết hợp lý. Quốc hội là cơ quan quyết định cuối cùng về tỉ lệ điều tiết cụ thể mà mỗi địa phương được giữ lại.
"Nếu đề xuất địa phương nào cũng muốn được giữ lại ngân sách nhiều hơn nhưng ở đây còn là vấn đề sử dụng ngân sách cho hiệu quả nữa.
Lý lẽ của các địa phương phát triển là "tôi là máy cái, là người làm ra tiền" thì cần phải được giữ lại ngân sách nhiều hơn để phát triển hơn.
Còn địa phương nghèo thì lấy lý do muốn phát triển phải có tiền, có tiền để cải thiện môi trường phát triển, giữ ổn định an ninh, trật tự, xã hội.
Tóm lại là ai cũng muốn xin nhưng vấn đề ở chỗ xin còn phải đi cùng với các cơ chế giám sát, sử dụng cho thật hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí", ông Hưng nói thêm.
Cùng quan điểm, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để TP.HCM đầu tư phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải làm rõ, minh bạch mục đích xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cũng như kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách như thế nào?
Nếu xin tăng tỉ lệ ngân sách nhưng sử dụng không rõ mục đích sẽ dẫn tới tình trạng vung tay quá trán, gây lãng phí, thất thoát lớn.
Ông Hùng cũng nói ngay tình trạng sử dụng ngân sách tại TP.HCM thời gian qua còn chưa hiệu quả.
Đặc biệt vẫn còn rất nhiều dự án đầu tư công gây lãng phí, điển hình là dự án Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP.HCM trị giá 800 tỷ đồng rồi bị bỏ hoang. Nếu xin ngân sách nhưng để xây dựng trung tâm, nhà hát, rồi bỏ hoang, không hiệu quả là không chấp nhận được.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, ngoài việc cân nhắc, tính toán chặt chẽ tỉ lệ điều tiết ngân sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho địa phương phát triển thì các cơ quan quản lý cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của nguồn đầu tư công.
Đặc biệt, với những dự án đầu tư không hiệu quả, có dấu hiệu sai phạm, gây lãng phí phải được xử lý trách nhiệm thật nghiêm khắc, kể cả trách nhiệm hình sự nếu có sai phạm xảy ra.