Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nguồn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương uỷ thác, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Ngày 14/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay nhà ở xã hội. Trong đó, công tác phát triển nhà xã hội được Thủ tướng nhấn mạnh là một trong 6 định hướng lớn trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng gói 30.000 tỷ đồng , trong đó 15.000 tỷ từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Gói tín dụng mới dành cho các đối tượng vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sữa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.

Như vậy, nguồn vốn của gói 30.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần nghiên cứu kỹ, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn… nhằm tăng cường nguồn lực để thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay các chương trình tín dụng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn sắp tới.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội - Ảnh 1

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, lao động, tiền lương... nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, đủ năng lực để thực hiện ngày một hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, kết quả giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp. Gói này mới giải ngân được hơn 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.202 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà.

Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TPBank và VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Việc chậm giải ngân gói 120.000 tỷ đồng được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành hơn 40.000 căn, đạt gần 10% kế hoạch.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).

Mai Anh

Theo VietnamFinance