Thị trường bất động sản được 'rót' hơn 1,2 triệu tỷ đồng
Mức dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng tính đến ngày 31/5/2024.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Cụ thể dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT), dự án phát triển nhà ở đạt mức 318.799 tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 44.080 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng KCN, khu chế xuất đạt 86.330 tỷ đồng.
Đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, dư nợ tín dụng đạt mức 49.127 tỷ đồng.
Các dự án nhà hàng, khách sạn có mức dư nợ tín dụng 61.483 tỷ đồng. Đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê, mức dư nợ tín dụng đạt 126.794 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt ngưỡng 94.402 tỷ đồng.
Đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác, con số này đạt ngưỡng 424.422 tỷ đồng. Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 14.406 tỷ đồng.
Theo như Báo cáo của NHNN Việt Nam, chỉ trong tháng 6 cuối quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu cộng lại.
Ngành ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao. Mặc dù vậy, lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng là BĐS thời gian qua lại giảm mạnh, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp cũng như người dân đều có dấu hiệu chậm lại, bất chấp bối cảnh giá nhà hiện đang neo ở mức cao nhưng giao dịch thực không nhiều.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được cho là giá nhà hiện đang chênh lệch lớn so với mức thu nhập của người dân, xu hướng này hiện vẫn tiếp đà duy trì trước bối cảnh nền kinh tế khó khăn và thu nhập của người lao động hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Phía NNHN Việt Nam hiện vẫn đã và đang theo dõi sát diễn biến cũng như tình hình kinh tế vĩ mô, theo sát chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với đó, NHNN cũng tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chinh sách; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong việc triển khai cũng như thực hiện; chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị NHNN tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn tiến hành nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn vay từ 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3-5% so với cho vay thương mại thông thường để các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân các KCN có thêm nhiều cơ hội và động lực mua nhà.
Đối với việc phát hành trái phiếu trong lĩnh vực BĐS, Bộ Xây dựng đã dẫn số liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến nay có 102 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 104,109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11,378 tỷ đồng.
Số liệu thống kê cho thấy nhóm ngành BĐS vẫn chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu.
Số liệu báo cáo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu về thị trường trái phiếu trong quý II/2024 cho thấy trái phiếu BĐS đã có xu hướng phát hành tăng trở lại, doanh nghiệp giảm bớt áp lực đáo hạn so với quý trước.
Dẫn chứng cụ thể trong tháng 4/2024, giá trị phát hành của nhóm ngành BĐS chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu khi chiếm 56% tổng giá trị phát hành trong tháng.
Trong tháng 5/2024, nhóm ngành BĐS đã phát hành trái phiếu gồm các doanh nghiệp: Tập đoàn CTCP Vingroup có 2 đợt chào bán cuối cùng thu về thêm 4.000 tỷ đồng; CTCP Vinhomes cũng đã hoàn thành kế hoạch sau khi bán thêm lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàng Trúc My bán lô trái phiếu giá trị 200 tỷ đồng; CTCP IDTT (trước đây là CTCP Phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Thủ Thừa IDICO - CONAC) huy động được 200 tỷ đồng;
Trong tháng 6/2024, các doanh nghiệp đã phát hành được tổng cộng 62 lô trái phiếu và thu về 68.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023); nhóm ngành xây dựng/BĐS huy động khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12%.
Số liệu thống kê trong quý II/2024 cho thấy sự tươi sáng về tình hình phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp BĐS, đưa ra kỳ vọng ổn định hơn đối với một kênh huy động vốn quan trọng của ngành BĐS.
Mặc dù ghi nhận tín hiệu khởi sắc nhưng áp lực trái phiếu đáo hạn hiện vẫn được xem là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp nhằm lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp BĐS nói riêng, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định trong tương lai.