Thuế đối ứng: 'Hố sụt' cuốn trôi thành quả của nhiều quỹ cổ phiếu

Ngay cả những quỹ cổ phiếu dẫn đầu về hiệu suất trong quý I cũng chuyển sang trạng thái âm sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam.

Báo cáo từ FiinGroup cho thấy, thị trường quỹ cổ phiếu tháng 3/2025 đã trở nên “kém sắc” sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi trước đó. Hiệu suất trung bình của các quỹ cổ phiếu – bao gồm quỹ mở, quỹ đóng và ETF – giảm 2,3% trong tháng 3, trái ngược hoàn toàn với mức tăng 1,3% ghi nhận hồi tháng 2. Trong số 69 quỹ được theo dõi, chỉ có 17 quỹ ghi nhận tăng trưởng dương, phản ánh diễn biến tiêu cực trên diện rộng. Ngay cả các quỹ mở – vốn được xem là linh hoạt nhất trong điều chỉnh danh mục – cũng ghi nhận mức sụt giảm trung bình lên tới 2,7%.

Điểm sáng hiếm hoi trong tháng đến từ nhóm ETF nước ngoài quy mô lớn (trên 6.000 tỷ đồng), gồm Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF và Xtrackers FTSE Vietnam. Chiến lược tập trung tỷ trọng cao vào hai cổ phiếu VIC và VHM – những mã dẫn dắt thị trường trong tháng – đã giúp các quỹ này giữ được mức tăng trưởng tích cực, đi ngược xu thế chung.

Dù vậy, nếu xét theo quý, thị trường quỹ cổ phiếu nhìn chung vẫn tích cực khi có 32/69 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất dương. Trong đó, 12 quỹ ghi nhận hiệu suất vượt trội so với VN-Index (+3,2%), nổi bật là nhóm quỹ ETF nước ngoài và nhóm quỹ mở quy mô nhỏ (tài sản ròng dưới 400 tỷ đồng).

Các quỹ ETF nước ngoài và các quỹ mở quy mô nhỏ ghi nhận hiệu suất quý I/2025 vượt trội so với thị trường chung (Nguồn: FiinGroup)
Các quỹ ETF nước ngoài và các quỹ mở quy mô nhỏ ghi nhận hiệu suất quý I/2025 vượt trội so với thị trường chung (Nguồn: FiinGroup)

Đáng chú nhất là VanEck Vietnam ETF vượt trội với mức hiệu suất lên tới 8,8%, theo sau là Xtrackers FTSE Vietnam (+7,9%) và Fubon FTSE VietnamETF (+6,6%). Bất chấp tháng 3 kém tích cực, một số quỹ mở như Quỹ đầu tư tăng trưởng Bordier - MB Flagship (BMFF), Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Ngân hàng và Tài chính Techcom (TCFIN), Quỹ đầu tư Giá trị MB Capital (MBVF), Quỹ đầu tư Cổ phiếu Năng động Bảo Việt (BVFED) đều ghi nhận mức tăng khá ấn tượng, từ 3-3,5% trong quý I/2025.

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Cú sụt sâu bất ngờ của VN-Index trong đầu tháng 4 – với mức giảm 16,9% chỉ trong 7 phiên từ 3 - 9/4 – đã tạm thời “xóa nhòa” thành quả quý I của các quỹ cổ phiếu. Nguyên nhân chính xuất phát từ thông tin Mỹ lên kế hoạch áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, làm dấy lên lo ngại về làn sóng tháo chạy của khối ngoại và áp lực lên tăng trưởng xuất khẩu.

Tác động tiêu cực từ thông tin này khiến cho ngay các quỹ dẫn đầu hiệu suất quý I cũng không thoát khỏi vòng xoáy suy giảm hiệu suất. Thống kê của FiinGroup cho thấy, tại “đáy” ngày 9/4, hiệu suất YTD của VanEck Vietnam ETF chuyển âm, ở mức 7%, trong khi Fubon và Xtrackers cùng âm 10%. Các quỹ mở có hiệu suất tốt nhất quý I như MBVF và BMFF mất 11%, trong khi phần còn lại âm sâu hơn nữa. Những quỹ vốn đã có khởi đầu mờ nhạt hoặc âm hiệu suất từ đầu năm càng chịu thiệt hại nặng nề, với hiệu suất YTD giảm từ 13% đến 22%.

Sự sụt giảm bất ngờ của thị trường chứng khoán đầu tháng 4 tạm thời lấy đi “thành quả” trong quý 1 của nhiều quỹ (Nguồn: FiinGroup)
Sự sụt giảm bất ngờ của thị trường chứng khoán đầu tháng 4 tạm thời lấy đi “thành quả” trong quý 1 của nhiều quỹ (Nguồn: FiinGroup)

Dù vậy, FiinGroup cũng lưu ý rằng, những con số này chỉ “mang tính thời điểm”. Minh chứng là chỉ trong 5 phiên sau đó (10–15/4), VN-Index đã hồi phục 12,2%, cho thấy thị trường vẫn tiềm ẩn khả năng hồi phục mạnh mẽ khi tâm lý ổn định trở lại và thông tin tiêu cực được hấp thụ dần.

Dòng tiền vẫn chưa trở lại

Mặc dù hiệu suất của thị trường quỹ cổ phiếu quý I là khá tích cực nhưng dòng tiền đổ vào thông qua các quỹ vẫn giảm sút đáng kể. Cụ thể, nhóm quỹ cổ phiếu tiếp tục ghi nhận áp lực rút ròng mạnh mẽ, với gần 2.400 tỷ đồng bị rút ròng trong tháng 3, nâng tổng giá trị rút ròng trong quý I lên hơn 5.300 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần mức rút ròng trong quý IV/2024.

FiinGroup chỉ ra rằng, áp lực rút ròng gia tăng ở nhóm quỹ cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh dòng vốn vào ròng ở nhóm quỹ trái phiếu yếu đi. Cũng theo đơn vị này, nhóm quỹ trái phiếu ghi nhận rút ròng nhẹ (96 tỷ đồng) trong tháng 3 và đây tháng rút ròng đầu tiên sau 12 tháng vào ròng liên tục trước đó.

Dòng vốn tiếp tục rút ròng ở nhóm quỹ ETF và quỹ đóng trong khi nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng nhẹ (Nguồn: FiinGroup)
Dòng vốn tiếp tục rút ròng ở nhóm quỹ ETF và quỹ đóng trong khi nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng nhẹ (Nguồn: FiinGroup)

Quỹ đóng và quỹ ETF là hai nhóm bị rút ròng mạnh nhất trong quý I/2025, với tổng giá trị rút ròng gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm quỹ ETF chịu áp lực lớn hơn cả với mức rút ròng lên tới 4.100 tỷ đồng. Áp lực rút ròng chủ yếu tập trung ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, mặc dù quỹ này có hiệu suất dương trong quý I (+6,6%) và lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/4 đạt +1,4%. Trong quý I, quỹ này đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu của các công ty như Hòa Phát (10,2 triệu cổ phiếu), Vinhomes (8,9 triệu cổ phiếu) và Vingroup (4,9 triệu cổ phiếu).

Ngược lại, dòng vốn vào ròng vẫn duy trì ở nhóm quỹ mở, dù đã có dấu hiệu chững lại so với các quý trước. Quý I/2025, giá trị mua ròng của nhóm này đạt 700 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của ba quý liền trước (3.300 tỷ đồng). Dẫn đầu là Quỹ đầu tư Cổ phiếu Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF), do Dragon Capital quản lý, với tổng tài sản ròng gần 8,6 nghìn tỷ đồng và giá trị vào ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn trong danh mục quỹ này gồm MWG, CTG, FPT. Tháng 3/2025, VFMVSF đã tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu của các ngân hàng (EIB, TCB, VCB, CTG) và bán lẻ (MWG), đồng thời giảm tỷ trọng FPT. VIB là cổ phiếu có khối lượng mua ròng lớn nhất trong tháng 3/2025, chủ yếu nhờ vào việc quỹ PYN Elite mua 54 triệu cổ phiếu, tương đương 1,8% vốn điều lệ của VIB.

 

Thái Hà

Theo Vietnamfinance