Thương mại, FDI giúp Việt Nam thoát nghèo: Giàu thì sao?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, FDI chỉ có thể giúp Việt Nam mở đường phát triển, nhưng để làm giàu thì người Việt Nam phải tự làm lấy.

Trong một bài viết mới đây, tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist ca ngợi Việt Nam thoát nghèo nhờ thương mại và FDI, tuy nhiên tạp chí này cũng đặt vấn đề: "Liệu chúng có thể giúp Việt Nam giàu có được không?".

Ghi nhận thực tế kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, The Economist cũng chỉ ra rằng, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đang đặt ra mối đe dọa cho sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam trở nên phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu của các công ty nước ngoài, trong khi các công ty trong nước hoạt động kém hiệu quả.

Đồng tình với những nhận xét mà bài báo của The Economist đưa ra, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) một lần nữa nhấn mạnh, việc FDI đóng vai trò chính trong xuất khẩu của Việt Nam khiến chúng ta chỉ là những người "xuất hộ" mà thôi, còn doanh nghiệp trong nước bị lép vế và chịu nhiều thua thiệt.

Ông khẳng định, nếu tăng trưởng cứ mãi dựa vào xuất khẩu, FDI... thì về lâu dài sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên phụ thuộc. Đã thế lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay FDI, không phải doanh nghiệp Việt Nam.

"Tất nhiên, phíaViệt Nam cũng được chút lợi nhuận, nhưng chỉ là phần nhỏ, và khi FDI rút đi sẽ để lại khoảng trống lớn cho nền kinh tế", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cảnh báo.

Đánh giá FDI đã giúp Việt Nam mở đường phát triển, song vị chuyên gia lưu ý, để làm giàu thì người Việt phải tự học và tự làm lấy, không thể ảo tưởng người khác làm giàu hộ mình được. 

Muốn vậy, phải nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là phải có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, để làm giàu, người Việt Nam phải tự học và tự làm lấy, không thể trông đợi vào FDI. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ  
PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, để làm giàu, người Việt Nam phải tự học và tự làm lấy, không thể trông đợi vào FDI. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ  

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, để các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh như các chaebol của Hàn Quốc hay keiretsu của Nhật Bản không phải là việc dễ dàng, cần có sự quyết tâm và đồng lòng của cả tập thể lãnh đạo, nhất là sự quyết liệt của người đứng đầu.

"Ở thời kỳ đầu đổi mới, Việt Nam có cảm nhận tốt là phải hoạt động theo cơ chế thị trường, song chính sách còn nhiều bất cập. Sau đó, cơ chế chung đã mở ra, doanh nghiệp FDI vào thì họ hoạt động theo cơ chế thị trường, chúng ta không thể can thiệp được việc mua bán, kinh doanh của họ.

Còn với doanh nghiệp trong nước, chúng ta xác định phải nuôi dưỡng kinh tế tư nhân, song đâu đó vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với thành phần kinh tế này, do đó vẫn còn nhiều quy định hạn chế khiến doanh nghiệp tư nhân không thể lớn lên được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Một điểm hạn chế được vị chuyên gia chỉ ra, đó là ở Việt Nam, thương mại nhỏ lẻ được dung dưỡng, phát triển mạnh mẽ, thiếu những doanh nghiệp lớn để cạnh tranh nhau, hình thành ra một cơ chế thị trường rõ ràng. Hệ quả là thương mại nhỏ đang phải trả giá đắt, mà bằng chứng là nông sản người nông dân làm ra bán rất rẻ, nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá đắt gấp nhiều lần. Điều này nhìn thấy rõ qua giá xoài, thanh long, mít, gà công nghiệp, thịt lợn... trong thời gian qua.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các nước, Nhà nước không phải quản những doanh nghiệp li ti bên dưới mà sẽ do doanh nghiệp lớn chi phối, doanh nghiệp nhỏ muốn hoạt động phải dựa vào doanh nghiệp lớn, không được tùy tiện nâng giá, giảm giá... Doanh nghiệp lớn làm theo luật và bắt buộc những chân rết của họ cũng phải làm theo luật.

"Muốn làm giàu phải có doanh nghiệp lớn làm ăn lớn, còn doanh nghiệp nhỏ li ti thì chỉ có thể thoát nghèo và đến một mức độ nào đó mà thôi. Những người làm ăn chân chính, dùng tài năng kinh doanh, sống bằng cơ chế cạnh tranh đúng luật pháp thì rất khó giàu bởi chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.

FDI vào Việt Nam rất giàu, họ vẫn góp phần làm cho nền kinh tế phát triển nhưng lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay họ, Việt Nam chỉ được chút công ăn việc làm cho người lao động, doanh nghiệp Việt cũng được san sẻ đôi chút", vị chuyên gia phân tích.

Nhớ lại thời điểm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại khẳng định đây là một bước ngoặt lớn song về thương mại Việt Nam vẫn còn dè dặt. Theo đó, các nhà bán lẻ quốc tế có quyền mở điểm bán lẻ đầu tiên, nhưng từ điểm bán lẻ thứ hai trở đi, phải tuân thủ việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Nhà đầu tư nước ngoài muốn mở chuỗi siêu thị phải xin giấy phép riêng biệt cho mỗi siêu thị. Sở công thương, sở kế hoạch và đầu tư các địa phương căn cứ vào rất nhiều tiêu chí để quyết định có cấp phép hay không...

Quy định là vậy, nhưng thực tế, do Nhà nước đã phân cấp quản lý nên đã xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan ở nhiều địa phương, không cân nhắc đến nhu cầu thực tế. Đây chính là nguyên nhân giúp doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện mở thêm điểm bán lẻ thứ hai. Thậm chí có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cả dự án bất động sản, trong đó có trung tâm thương mại để kinh doanh siêu thị, hoặc “lách luật” bằng cách đứng tên quản lý, mua lại cổ phần của doanh nghiệp trong nước, nhượng quyền kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước...

"Metro ban đầu chỉ bán sỉ, họ cấp thẻ cho khách hàng, bán giá thấp hơn một chút so với các hệ thống bán lẻ khác, kết quả là họ rất đắt hàng. Dù quy định khi Việt Nam gia nhập WTO đã nêu rõ, nhưng sau vài năm, Metro đã mở được 19 siêu thị và cuối cùng họ bán cho Thái Lan. Big C cũng mở chuỗi siêu thị ở khắp các tỉnh, thành của Việt Nam, sau đó chủ hệ thống này là tập đoàn Casino của Pháp cũng bán cho Thái Lan.

Những nhà phân phối nước ngoài ấy đã đi đúng hướng và giàu sụ, nhưng họ không cam kết lâu dài với Việt Nam, được một thời gian là họ bán lấy lãi và ra đi", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Ông cho rằng đây là cái khó của Việt Nam, đòi hỏi phải thay đổi về tư duy, chính sách, cơ chế, luật pháp, mà trước hết là cần có sự nhất trí trên dưới, tầm nhìn xa của người quản lý, phải thấy được đất nước muốn giàu lên phải có những tập đoàn lớn mạnh, kinh doanh tầm cỡ quốc tế.

"Tất nhiên rồi nhu cầu về hội nhập, phát triển cũng sẽ bào mòn tư duy ghen ghét, không cho làm giàu, và cái khó sẽ ló cái khôn, vẫn có những doanh nhân biết cách làm ăn.

Nhưng về cơ bản là phải điều chỉnh chính sách, nếu không hệ quả rất rõ. Năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực là một bằng chứng. 

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Thu nhập của người lao động Việt Nam còn thấp do chưa có cơ chế cạnh tranh đúng nghĩa", PGS.TS Nguyễn Văn Nam dẫn chứng.

Thành Luân

Theo Đất Việt