Tiềm lực 2 tập đoàn năng lượng làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngày 4/2, Thủ tướng đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Thủ tướng yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; nhà máy Ninh Thuận 2 đạt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

EVN bất ngờ thoát lỗ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiền thân là Tổng công ty Điện lực Việt Nam, được thành lập vào tháng 10/1994 trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng.

Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam và quyết định thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đến ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước.

Trụ sở EVN.
Trụ sở EVN.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu hợp nhất tập đoàn năm 2024 của EVN ước đạt 575.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2023.

Tính đến hết năm 2024, vốn chủ sở hữu của EVN là 204.000 tỷ đồng, bằng 104% so với năm 2023. Giá trị nộp ngân sách toàn EVN ước đạt 25.000 tỷ đồng, bằng 101% so với 2023.

Một trong những dấu ấn quan trọng trong năm 2024 của EVN là việc chính thức thoát lỗ sau thời gian dài gặp khó khăn tài chính. Theo lãnh đạo tập đoàn, đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 10/2024 đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện tình hình kinh doanh.

Trước đó, vào tháng 7/2024, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn từng cập nhật về tình hình tài chính tập đoàn với khoản lỗ tài chính hơn 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Vào năm 2023, EVN công bố khoản lỗ 34.245 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.822 tỷ đồng. Năm 2022, "ông lớn" ngành điện cũng báo lỗ gần 36.300 tỷ đồng.

Năm 2024, EVN cũng đã khởi công 172 dự án lưới điện 110-500kV; hoàn thành đóng điện 216 dự án lưới điện 110-500kV. Trong đó, nổi bật là hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đi Phố Nối chỉ trong 6 tháng thi công…

Trong năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn dự kiến đạt 109.669 tỷ đồng. EVN phấn đấu hoàn thành phát điện dự án nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng (quý IV/2025); khởi công các dự án NMTĐ Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái; phấn đấu hòa lưới tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I trước 02/09/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. EVN cũng sẽ khởi công 208 dự án lưới điện từ 110-500kV, đóng điện là 281 dự án lưới điện từ 110-500kV.

Petrovietnam 3 năm liên tiếp doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng

Sau khi đất nước được thống nhất, vào ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Petrovietnam) được thành lập.

Tiềm lực 2 tập đoàn năng lượng làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh 1
Trụ sở Petrovietnam.

Tính từ năm 1986 đến hết năm 2022, tổng doanh thu của Petrovietnam đạt trên 400 tỉ USD. Trong giai đoạn 2006-2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Petrovietnam vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%), 10-13% GDP cả nước.

Năm 2024 đánh dấu việc 3 năm liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn Tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước COVID-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 165.000 tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước COVID-19.

Các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng rất cao so với thời kỳ trước COVID-19 (năm 2019), bao gồm doanh thu hợp nhất đạt 601.000 tỷ đồng, tăng 51%; doanh thu công ty mẹ đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 237%; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.

Với kết quả này, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ sau 4 năm 2021-2024. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 3,5 triệu tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 5 năm, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 600.000 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 5 năm, tăng trưởng 21,2%/năm.

 

Đan Nhi

Theo Vietnamfinance