Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh
Tiền gửi của khách hàng cá nhân vào ngân hàng trong tháng 2 tăng thêm 178.000 tỷ đồng, nâng tổng mức gửi tiền trong 2 tháng đầu năm lên 301.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu về tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tháng 2/2025. Số liệu cho thấy, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh.
Theo đó, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng lên 7,366 triệu tỷ đồng, tức tăng 178.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng 301.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Như vậy, tốc độ tăng lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân trong 2 tháng đầu năm so với cuối năm 2024 lên 4,26%.
Đáng chú ý, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của khách hàng cá nhân đã chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Cùng thời điểm, tiền gửi của khối tổ chức kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tiếp tục sụt giảm tháng thứ 2 liên tiếp khi giảm 71.000 tỷ đồng trong tháng 2, nâng mức giảm trong 2 tháng đầu năm lên 305.000 tỷ đồng.

Các tổ chức kinh tế hiện gửi tiền tại các ngân hàng còn 7,362 triệu tỷ đồng, giảm 3,98% so với cuối năm 2024. Như vậy, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân vào cuối tháng 2 đã vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tháng 2 cũng giảm nhẹ so với tháng 1. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2 đạt 18,157 triệu tỷ đồng, giảm 19.000 tỷ đồng so với tháng trước. So với cuối năm 2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,35%, cho thấy tốc độ tăng chậm hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.
Theo giới phân tích, diễn biến trên phản ánh xu hướng dòng tiền trong nền kinh tế, khi người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn khi lãi suất đi lên, trong khi nhiều doanh nghiệp có thể đang rút tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào các kênh sinh lời khác.
Để hút vốn từ dân cư, trong tháng 2, nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động vượt mốc 6%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung trong nhiều tháng trước đó. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5 - 4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8 - 5,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên đến 5,8 - 7,7%/năm, tùy theo ngân hàng.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay. Từ tháng 3 đến cuối tháng 4, hàng chục ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,3 - 1%/năm tùy theo kỳ hạn. Sang tháng 5, mặt bằng lãi suất đã tăng từ 0,1 - 0,3%/năm tại một số ngân hàng.