Tiền gửi vào ngân hàng giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Trong tháng 1, tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng thêm 123.000 tỷ đồng (tăng 1,74% so với cuối năm 2024) song tiền gửi tổ chức giảm mạnh đã khiến tổng huy động vốn của ngân hàng sụt giảm.

Cụ thể, trong tháng 1, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm tới 233.000 tỷ đồng so với tháng trước (giảm 3,04% so với cuối năm 2024). Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang nỗ lực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm 2025.

Tiền gửi vào ngân hàng giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp.
Tiền gửi vào ngân hàng giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp.

Trước đó, trong tháng 12/2024, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 65.000 tỷ đồng nhưng tiền gửi tổ chức tăng gần 400.000 tỷ đồng so với tháng liền kề.

Tính đến cuối năm 2024, huy động vốn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng (15,7 triệu tỷ đồng).

Cục Thống kê (Bộ tài chính) cho biết, tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tính tới 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh giai đoạn tới.

Tính đến ngày 23/4, mặt bằng lãi suất huy động tại ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Gần 1 tháng kể từ ngày 25/2, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, chỉ còn 3 ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động cao nhất từ 6%/năm trở lên.

Đáng chú ý, trước thời điểm 25/2, có tới 14 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6%/năm trở lên. Còn hiện giờ, ngoài 3 ngân hàng nêu trên, tất cả các ngân hàng còn lại đều đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm xuống dưới mức 6%/năm.

Với diễn biến giảm sâu trên diện rộng, lãi suất ngân hàng đang thiết lập mặt bằng mới thấp hơn. Các khoản tiền gửi dài hạn cũng không còn quá hấp dẫn dù trước đây là lợi thế của người gửi tiền vì sự an toàn, lãi suất cao hơn và ổn định hơn. Hiện với kỳ hạn 24 tháng (gửi tiết kiệm ở quầy), theo thống kê lãi suất huy động tại các ngân hàng dao động từ 4,5% - 5,8%/năm, rất nhiều các ngân hàng niêm yết 5%/năm trở lên với kỳ hạn này.

Kỳ hạn 36 tháng, lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng dao động tương tự kỳ hạn 24 tháng. Thấp nhất là ngân hàng SCB khi chỉ niêm yết 3,9%/năm với kỳ hạn này, con số này cũng được áp dụng đối với kỳ hạn 24 tháng.

Ngọc Diễm

Theo Tài chính doanh nghiệp